Hơn 2 năm nay, người dân khu Nam Sài Gòn, trong đó có cả khu đô thị nhà giàu Phú Mỹ Hưng, liên tục phản ánh tình trạng mùi hôi thối phát tán gây khó chịu trong khu vực. Qua một thời gian xác minh, cơ quan quản lý xác định Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước chính là “thủ phạm” gây ra mùi hôi khó chịu. Trước đây Nam Sài Gòn được cư dân đánh giá là nơi thoáng đãng, có không khí trong lành, hơn thế lại thêm phần "có giá" nhờ sự xuất hiện của khu đô thị cao cấp Phú Mỹ Hưng, nhưng trước tình trạng bị "tấn công" bởi không khí bốc mùi quá khó chịu, nhiều gia đình đã phải tìm cách "tháo chạy" để tìm đến một nơi trong lành hơn.

Vấn đề này tạo ra một nghi hoặc lớn về chất lượng môi trường đô thị, không riêng gì ở Nam Sài Gòn. Sau khu vực này, đô thị nào sẽ trở thành "nạn nhân" tiếp theo? Quy hoạch các khu xử lý rác thải đô thị sẽ đi về đâu? Lời giải nào cho vấn đề quy hoạch? Cà phê cuối tuần sẽ bàn luận xoay quanh vấn đề này. Xin được giới thiệu các khách mời: TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; PGS.TS. Đồng Kim Loan, Khoa Công nghệ Môi trường - Trường Đại học Tự nhiên và doanh nhânTrần Khánh Quang, TGĐ Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa.

PV: Quy hoạch rác thải đô thị đang là bài toán nan giải mà đến nay vẫn chưa tìm ra phương pháp xử lý triệt để. Các chuyên gia đánh giá như thế nào về hiện trạng này?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Rác là một vấn đề của đô thị, thiết yếu như việc cấp điện, cấp nước… Các đô thị như một cỗ máy, có đầu vào, có phần xử lý, rồi có phần ra. Để cả quá trình hoạt động được thì cần có phần ra đó. Ở Việt Nam, tốc độ đô thị hóa đang rất nhanh. Vấn đề rác thải cũng theo đó trở nên nan giải. Không chỉ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà nhiều đô thị nhỏ, vùng nông thôn cũng đang phải đối diện với vấn đề rác thải.

Hiện nay riêng ở Hà Nội, mỗi ngày thải ra khoảng 7.000 tấn rác thải. Đó là thu chưa triệt để, nếu thu 100% thì con số đó còn có thể lớn hơn. Người ta tính trung bình mỗi năm tăng từ 10-12% lượng rác thải ra do đô thị phát triển, dân số tăng lên.

Với lối sống đô thị của Việt Nam, tỷ lệ dân số đô thị tăng lên nhưng lại chưa theo kịp nếp sống văn minh đô thị. Bởi vậy, nhiều khu vực đô thị, người dân vứt rác rất bừa bãi. Ngay cả các điểm thu gom rác của thành phố cũng góp phần tạo raô nhiễm môi trường. Như tại Thủ đô, cách 20-30m lại có một thùng rác rất to để người dân vứt rác vào đó. Ít ra, khi thu gom xong thì người ta phải rửa đi cho sạch sẽ nhưng đôi khi họ không có điều kiện nên nước rỉ vẫn tồn đọng lại, tạo ra một tuyến phố lúc nào cũng “bốc mùi”.

PGS.TS. Đồng Kim Loan: Như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang thải ra ngày càng nhiều rác, đặc biệt ở các khu đô thị, nơi tập trung đông dân cư. Thêm vào đó, do nước ta đang trong quá trình phát triển nên hoạt động xây dựng rất tích cực, kéo theo đó là rác thải xây dựng càng nhiều hơn.

Từ trước đến nay, chúng ta cũng có lộ trình trong việc xử lý rác thải, có quy hoạch dần các bãi rác cũng như khâu xử lý, có những chính sách về thu gom phân loại. Tuy nhiên, giữa chính sách với kinh phí đầu tư thực hiện, trình độ nhận thức của người dân, người làm công tác thu gom xử lý… còn chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến việc thu gom, xử lý chưa thật sự hiệu quả.

PV: Nhìn từ câu chuyện khu đô thị cao cấp Phú Mỹ Hưng để thấy một bi kịch, rõ ràng đây là nơi được đầu tư xây dựng rất tốt, với hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng công trình... đều xứng đáng là kiểu mẫu. Vậy mà bỗng dưng một ngày, không ít cư dân phải ngao ngán tháo chạy vì mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác Đa Phước cách đó không xa. Phải chăng câu chuyện quy hoạch bãi rác chưa được tính đến một cách thấu đáo và thiếu tầm nhìn?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Trước đây, khi đô thị nhỏ, khoảng cách giữa khu dân cư với bãi rác là có thể đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nhưng khi mở rộng đô thị ra thì khoảng cách hẹp lại, dẫn đến tình trạng bãi rác quá gần khu dân cư. Mặt khác, khu đô thị do vấn đề đất đai hẹp nên phải quy hoạch bãi rác khá gần khu dân cư. Đến nay, bãi rác quá tải, gây ô nhiễm môi trường và khu vực xung quanh, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân mới dẫn tới tình trạng phản đối, "tháo chạy".

Ngoài ra, hiện nay công nghệ xử lý rác ở Việt Nam về cơ bản vẫn dùng phương pháp truyền thống như chôn lấp. Yêu cầu bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh có các loại: chôn nổi, chôn nửa nổi hoặc nửa chìm, hoặc chìm hẳn. Thế nhưng, trong quá trình xử lý, việc phân loại rác tại nguồn chưa có. Tất cả rác thải hữu cơ và không phải hữu cơ đều gom chung, đổ ra bãi rác.

PGS.TS. Đồng Kim Loan: Đây là một vấn đề phức tạp, không chỉ liên quan đến quy hoạch. Số lượng bãi rác được quy hoạch ở nước ta dù chưa nhiều nhưng không phải là không có. Lấy ví dụ bãi Nam Sơn (Hà Nội). Đây là một bãi rác được quy hoạch bài bản. Cách đây hơn 20 năm, khi bãi rác bắt đầu được quy hoạch, những người thực hiện đã tìm khu đất có thể chứa được rác, cách xa khu dân cư. Vùng đất này thuộc thung lũng, không làm ảnh hưởng tới nước ngầm. Lúc mới quy hoạch, xung quanh không có nhà dân. Nhưng trong quá trình bãi rác được đưa vào sử dụng, người dân bắt đầu kéo đến gần đó sinh sống, hình thành cả khu dân cư đông đúc.

Cũng có bãi rác được quy hoạch nhưng lại không hợp lý. Như khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước, nhiều chuyên gia nhận định, bãi rác này được đặt ở vị trí không phù hợp, nằm ở ngay đầu hướng gió nên mùi hôi thối ảnh hưởng đến khu dân cư mới phía Đông Nam Sài Gòn là điều khó tránh.

Nhưng đó chỉ là một số điểm xử lý rác thải có quy hoạch, khi mà quỹ đất còn nhiều và tiêu chí đúng, chứ phần lớn bãi rác hiện nay vẫn là tự phát.

Ông Trần Khánh Quang: Quy hoạch bãi rác là quy hoạch đúng, tuy nhiên, sai ở quy trình xử lý rác dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân ở khu vực gần bãi rác.

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đổ về quá lớn dẫn đến quá tải rác thải đô thị. Đây cũng là vấn đề tồn tại của quy hoạch bãi rác. Ví như ở các khu công nghiệp hiện đại, sử dụng bất cứ công nghệ nào cũng phải có khâu xử lý rác thải. Khâu quy hoạch xử lý rác thải phải có trước khi xây dựng khu công nghiệp. Xây dựng đô thị cũng vậy, quy hoạch bãi rác đúng ra phải đi trước quy hoạch đô thị một bước.

Thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Tốc độ đô thị hóa nước ta đang mất kiểm soát do dân số gia tăng quá lớn dẫn đến việc quy hoạch xử lý rác thải không theo kịp.

PV: Như ông Trần Khánh Quang, TGĐ Công ty Việt An Hòa vừa nói ở trên, quy hoạch bãi rác phải đi trước quy hoạch đô thị một bước. Là chuyên gia về quy hoạch, TS.KTS. Trương Văn Quảng đánh giá như thế nào về vấn đề này?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Cùng với vấn đề quy hoạch đô thị là quy hoạch về xử lý rác thải. Quy hoạch bãi rác là một phần của hạ tầng kỹ thuật đô thị, không thể lược bỏ. Hiện nay, trong quy hoạch, theo quy phạm của Việt Nam, tất cả các đô thị khi phát triển, gồm cả nông thôn, cũng đều phải quy hoạch khu vực xử lý rác thải, chôn lấp và vệ sinh.

Các đô thị đã phải tính toán lượng rác để quy hoạch bãi rác. Với đô thị nhỏ, quy mô bãi rác có thể khoảng 10ha. Nhưng với đô thị lớn có bãi rác phải lớn hơn 150ha. Với đô thị nhỏ, tối thiểu bãi rác cách 3km với điểm dân cư, còn với đô thị lớn thì khoảng cách này phải trên 15km mới đảm bảo.

Đương nhiên khi quy hoạch, nhà quy hoạch xác định vị trí không hợp lý, không đúng theo các quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn, chẳng hạn bãi rác nằm cạnh nguồn nước của đô thị thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước. Nếu bãi rác nằm ở hướng gió chính của đô thị, hoặc nằm quá liền kề với khu dân cư thì cũng không đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Nếu diện tích quy mô bãi rác không đảm bảo theo yêu cầu của một đô thị, chẳng hạn diện tích quá hẹp thì chỉ được dùng được một thời gian rất ngắn rồi phải di chuyển nó. Tiếp theo, trong quy hoạch phải cân nhắc với “ông hàng xóm” – tức là đô thị liền kề. Có thể bãi rác nằm ở cuối nguồn nước của đô thị này nhưng lại nằm ở đầu nguồn nước của đô thị kia. Giữa các đô thị có tình trạng đó thì phải bàn bạc, trao đổi để lựa chọn vị trí sao cho phù hợp. Nếu xác định vị trí quy hoạch bãi rác không chuẩn thì đô thị đó sẽ phải “trả giá”.

PV: Thưa ông Trần Khánh Quang, là một nhà đầu tư bất động sản, ông có thể cho biết quy hoạch bãi rác ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bất động sản nói chung, cũng như bất động sản khu vực nói riêng?

TGĐ Trần Khánh Quang: Thị trường bất động sản và quy hoạch đô thị được ví như hình với bóng. Đất đai được tăng thêm giá trị nhờ đô thị hóa, trong đó có vị trí, hệ thống hạ tầng kỹ thuật,... Có thể nói, đô thị hóa đến đâu thị trường bất động sản tiếp cận đến đó.

Quy hoạch bãi rác là một phần thiết yếu của quy hoạch đô thị, đương nhiên tác động không nhỏ đến giá trị bất động sản. Quy hoạch bãi rác đô thị tốt, bất động sản sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Ngược lại, nếu tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng, những khu vực xung quanh khó có thể đầu tư bất động sản và tạo ra giá trị gia tăng cho bất động sản khu vực này. Khi đó, bất động sản khu vực đó sẽ là bất động sản "chết".

Nhìn từ bãi rác Đa Phước hiện nay, với bán kính 5 - 10km, đặc biệt là về khu vực phía nam, việc mua bán bất động sản đã và đang trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Trên đường quốc lộ 51, là đường đi đến điểm tập kết của bãi rác, thường xuyên có mùi hôi thối từ rác khiến bất động sản phân khúc cao cấp hầu như không giao dịch được. Khu vực này, hiện nay, các nhà đầu tư hiện nay chỉ có thể tập trung ở phân khúc bình dân, giá rẻ dành cho đối tượng là những công nhân lao động.

PV: Nếu tình trạng quy hoạch rác thải không tìm được phương án tối ưu, các chuyên gia nhận định bộ mặt đô thị trong tương lai sẽ trở nên như thế nào?

PGS.TS. Đồng Kim Loan: Hiện giờ, quy hoạch, xử lý rác thải là vấn đề lớn thứ hai sau giao thông nhưng nếu tình trạng này không sớm cải thiện, không có sự quan tâm thì có thể trở thành vấn đề số 1.

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Chắc chắn các nhà quản lý đô thị, nhà quy hoạch, người dân trong tương lai sẽ không chấp nhận tình trạng rác thải như thế được. Bản thân ý thức của người dân bây giờ cũng đã có sự thay đổi. Một người diện bộ quần áo đẹp mà bước qua bãi rác trước ngõ nhà mình, chính họ sẽ không chấp nhận được. Rác thải ảnh hưởng đến không khí, môi trường, ảnh hưởng đến chính cuộc sống người dân đô thị, chính vì thế trong cách ứng xử của người dân với rác dần dần sẽ có sự thay đổi.

Bên cạnh đó, thời đại công nghệ 4.0 đang hướng đến đô thị thông minh, chắc chắn con người cũng phải khác. Đô thị sẽ không phải như bây giờ nữa mà văn minh hơn. Đô thị giống như ngôi nhà chung, mọi người đều quan tâm thì ngôi nhà sẽ tốt lên.

TGĐ Trần Khánh Quang: Nhìn từ góc độ bất động sản, nếu vấn đề quy hoạch, xử lý rác thải không tìm được hướng xử lý, gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí đô thị, thì trong tương lai sẽ hình thành nên nhiều khu vực bất động sản "chết".

Nếu xác định vị trí quy hoạch bãi rác không chuẩn thì đô thị sẽ phải “trả giá”, tình trạng ô nhiễm tăng, những khu vực xung quanh các bãi rác sẽ trở thành bất động sản

Nếu xác định vị trí quy hoạch bãi rác không chuẩn thì đô thị sẽ phải “trả giá”, tình trạng ô nhiễm tăng, những khu vực xung quanh các bãi rác sẽ trở thành bất động sản "chết". (Ảnh Đỗ Linh)

PV: Nhìn từ kinh nghiệm quy hoạch và xử lý rác thải của những nước phát triển, các chuyên gia có thể gợi ý một vài giải pháp để quy hoạch các bãi rác đô thị hợp lý?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Nếu Dự thảo Luật Quy hoạch được thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2019, đây sẽ là cơ sở tháo gỡ vấn đề nói trên. Khi quy hoạch phải có sự cộng tác, tích hợp, hợp nhất của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến đất đai, môi trường, tài nguyên, đô thị… khi đó, tất cả cùng trao đổi để tìm ra giải pháp phù hợp nhất, đồng thời thỏa mãn lợi ích, tính phù hợp của tất cả các đối tượng ở trong những vùng đô thị và những khu vực liền kề. Đây là lời giải mang tính nhìn xa và sự cộng tác mang tính liên ngành để chúng ta có không gian đô thị tốt và có khu vực xử lý rác thải đảm bảo môi trường, từ đó, đô thị mới phát triển bền vững được.

Về công nghệ, đòi hỏi chi phí lớn nên nếu không có sự hợp tác công – tư, huy động các doanh nghiệp khối tư nhân vào cuộc thì Nhà nước khó đủ kinh phí thực hiện. Còn doanh nghiệp nếu không thấy lợi ích thì họ không đầu tư. Thế nên, ngoài những lựa chọn về quy hoạch, công nghệ,... liên quan đến rác, cần có cơ chế chính sách phù hợp mới mong phát triển được ngành xử lý rác thải.

PGS.TS. Đồng Kim Loan: Các khu rác thải đô thị nên là khu liên hợp đồng bộ. Không nên thiết kế manh mún. Tránh trường hợp ngại phải đi xa nên tạo ra bãi rác nhỏ. Với những khu liên hợp đồng bộ, có chức năng đốt, bởi các lò đốt quy mô lớn mới có khả năng thu gom và xử lý khí thải, đồng thời có thể thu được điện năng, nhiệt năng. Như trường hợp bãi rác Nam Sơn, sau khi vận hành khu xử lý rác thải thành điện năng, họ cho biến phần điện năng thu được đóng góp hơn 10% lượng điện mà khu xử lý rác thải này sử dụng.

Ngoài ra, cũng liên quan đến việc quy hoạch, phải có chính sách tiếp theo để quản lý dân cư, cần kiên quyết không để cho dân cư đến sinh sống xung quanh khu vực đó. Nếu có những đề nghị muốn mở cửa hàng kinh doanh thì cũng phải có thỏa thuận chặt chẽ và không có xây nhà, sinh sống lâu dài bởi họ đã sinh cư lập nghiệp thì không thể đuổi họ đi được.Đồng thời, khi quy hoạch một bãi rác mới, chính quyền và những cơ quan tổ chức có trách nhiệm cần lưu ý hết sức tới việc tham khảo ý kiến người dân.

TGĐ Trần Khánh Quang: Nên tập trung quy hoạch bãi rác ở những diện tích ít dân cư, ở vùng đất khô cằn, không sử dụng được để tránh ảnh hưởng sau này về tốc độ đô thị hóa, tránh ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng canh tác nông nghiệp,…

Vấn đề quan trọng là tìm ra công nghệ xử lý rác thải phù hợp. Muốn làm được điều đó, quan trọng hơn cả là ý thức người dân trong việc ứng xử với rác, phân loại rác thải ngay từ đầu. Không phân loại được rác thải thì công nghệ cũng không thể sử dụng được. Tất cả các loại rác cùng thu vào một chỗ, mang đến cùng một nơi thì đến các nước phát triển cũng chẳng có công nghệ nào có thể xử lý cùng lúc 3 loại rác thải như vậy.

Xin cảm ơn các chuyên gia!

(Thiết kế Đức Anh - Hoàng Linh)

Theo reatimes.vn/reablog