Bài toán nan giải
Xử lý rác thải là vấn đề nhức nhối của nhiều địa phương từ nhiều năm nay. Không chỉ là sự bị động, lạc hậu trước nhu cầu phát triển, ở không ít địa phương dù đã chủ động xây dựng được quy hoạch thì lại gặp vướng mắc trong việc triển khai mô hình xử lý rác thải, nhất là rác thải sinh hoạt. Trong khi, các bãi chôn lấp đã kín, nhà máy quá tải, tạo nên áp lực ngày càng lớn ở nhiều địa phương. Từ câu chuyện cụ thể của Hà Nội cho thấy, nếu không quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, rác thải sẽ tiếp tục là một nguy cơ lớn đe dọa môi trường và cả sự phát triển bền vững của đô thị.
Từ năm 1996, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 3093/QĐ-UB, Ban hành quy định quản lý rác thải của thành phố, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị chức năng và có chế tài xử phạt nếu các tổ chức, cá nhân và người dân vi phạm. Đến năm 2014, Thủ tướng có Quyết định số 609/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn (8 khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới). Vùng I, bao gồm khu vực nội đô lịch sử, các quận (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên và một phần huyện Thanh Trì), các huyện (Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn), có 5 khu xử lý chất thải rắn.
Vùng II, gồm một phần huyện Thanh Trì, một phần quận Hà Đông, các huyện (Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức), có 6 khu xử lý chất thải rắn. Vùng III, gồm một phần quận Hà Đông, các huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ), thị xã Sơn Tây, có 6 khu xử lý chất thải rắn.
Về công nghệ, theo quy hoạch phải sử dụng công nghệ tái chế nhựa, giấy, sắt thép; xử lý chất thải rắn hữu cơ thành phân vi sinh; công nghệ đốt, kết hợp thu hồi năng lượng; chôn lấp hợp vệ sinh có thu hồi năng lượng.
Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ban Đô thị, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội cho thấy: Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (chiếm khoảng 89%), xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và chỉ đạt 43% so với công suất thiết kế. Các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt không phát điện công nghệ đã lạc hậu, thường xuyên hư hỏng, phải bảo dưỡng; công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân vi sinh đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn, Kiêu Kỵ nhưng không đạt hiệu quả nên đã dừng hoạt động. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hợp vệ sinh tập trung tại Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây) đều đã và đang phải khai thác vận hành gần hết công suất các bãi chôn lấp, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng bãi.
Việc đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp, xây mới các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa hợp lý, thành phố mới chỉ tập trung đầu tư các khu xử lý tại vùng I và vùng III, trong khi đó, vùng II - phía nam chưa có khu xử lý, nhà máy nào hoạt động.
Áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt đang là bài toán nan giải với các cơ quan chức năng TP Hà Nội. Bởi riêng lượng rác thải hằng ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã đến mức hơn 4.000 tấn/ngày, có khi 6.000 tấn/ngày. Hiện nay Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã có nhà máy đốt rác Nedo được xây dựng theo công nghệ Nhật Bản, công suất đốt rác cũng chỉ đạt 75 tấn mỗi ngày/đêm, đồng nghĩa không thể xử lý hết số lượng rác thải lên đến hàng nghìn tấn/ngày.
Thực tế, trong những năm qua, người dân ở cạnh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) đã từng nhiều lần chặn xe rác, bởi việc vận chuyển, xử lý rác gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ, khiến cho rác trong khu vực nội thành bị ùn ứ, gây ô nhiễm nhiều ngày. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương, rác thải cũng là vấn đề được nhiều cử tri bức xúc kiến nghị lên Hội đồng nhân dân TP Hà Nội.
Rác thải tại Hà Nội sẽ đi về đâu?
Để “giải tỏa” phần rác thải bị ùn ứ ở bãi rác Nam Sơn, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng) đã đề xuất phân luồng và lưu trữ rác tạm thời thực hiện từ ngày 15/7 cho tới khi có thông báo tiếp theo.
Theo đó, khoảng 1.300 tấn rác mỗi ngày của 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa được lưu trữ tại khu xử lý chất thải rắn của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Cầu Diễn (Urenco 7).
Gần 1.300 tấn rác mỗi ngày ở các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên sẽ phần luồng về ô chôn lấp thuộc Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây); riêng với quận Hoàng Mai và quận Hà Đông sẽ 50% phân luồng và 50% tập kết tại địa phương.
Khoảng 600 tấn rác ở các quận huyện Thanh Xuân, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ phân luồng tiếp nhận về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây) của HTX Thành Công. Các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh mỗi ngày sẽ thải ra môi trường khoảng 850 tấn rác.
Theo kế hoạch, các huyện phải đảm bảo vệ sinh môi trường lưu trữ tại điểm tập kết địa phương. Ngoài ra, Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn của HTX Thành Công lập kế hoạch đảm bảo an toàn tiếp nhận, xử lý khối lượng rác từ quận Thanh Xuân.
Đối với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, Ban Duy tu đề nghị đơn vị lập kế hoạch, lưu chứa tại trạm trung chuyển, có các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trong điều kiện gần khu dân cư; vận chuyển hết khối lượng rác tập kết tạm thời về Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn khi đơn vị này tiếp nhận trở lại.
Lập kế hoạch, bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện tiếp nhận thêm phần khối lượng phân luồng từ các địa bàn các quận; tăng cường công tác phun khử mùi, có các biện pháp đảm bảo an toàn khi tiếp nhận khối lượng rác tăng cao.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã đồng ý với kiến nghị, đề xuất của Sở Xây dựng về phương án phân luồng vận chuyển rác thải trong 7 ngày. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND thành phố giao các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện theo quy định; báo cáo, đề xuất UBND thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.
Đồng thời, ông Nguyễn Thế Hùng yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn chỉ đạo hệ thống chính trị huyện, các xã liên quan phối hợp tổ chức vận động, tuyên truyền người dân chấm dứt việc chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. UBND quận Nam Từ Liêm, huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị thực hiện công tác phân luồng, tiếp nhận rác tạm thời về khu xử lý chất thải rắn, bảo đảm thông suốt.
Dù Hà Nội đã có phương án phân luồng rác tạm thời như vậy nhưng điều bất ngờ là ngay trong đêm 15/7 khi rác chuyển đến khu vực Cầu Diễn thì người dân tại khu vực phường Tây Mỗ tiến hành lập chốt chặn không cho xe chở rác vào bãi rác với lý do lượng rác chuyển vào quá lớn, gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân quanh khu vực này.
Nhận được tin, cơ quan chức năng tiến hành xuống làm việc với người dân hơn 1h đồng hồ nhưng vẫn không nhận được sự đồng tình của người dân. Vì thế, số lượng rác thải trên 33 chiếc xe bị chặn lại đã phải di chuyển sang khu xử lý chất thải Xuân Sơn để tập hợp cùng với phần rác thải được tập kết trước đó.
Tuy nhiên, những xe vận chuyển rác này cũng phải đảm bảo được chất chặt, bịt kín, tránh rơi vãi làm bốc mùi và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt khiến dân tình lại phẫn nộ dẫn đến tình trạng như hai khu xử lý rác Nam Sơn và Tây Mỗ lúc đó rác thải sẽ không biết "đi đâu về đâu".