Công nghiệp có cải thiện nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình từ đầu năm
Tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 9,6% trong tháng 11 và tính chung 11 tháng tăng 10,1%. Xét riêng tăng trưởng của tháng 11, mức tăng 9,6% cao hơn đáng kể tháng 10 (7,7%) nhờ khai khoáng chuyển sang tăng trưởng dương và công nghiệp chế biến chế tạo có cải thiện nhẹ.
Ngành khai khoáng tháng 11 tăng 0,2% trong khi tháng 10 giảm tới 9,5%. Sự cải thiện của khai khoáng đến hoàn toàn từ ngành khai thác khí với sản lượng khí tăng mạnh 16,4%.
Ngược lại, sản lượng khai thác dầu thô và than đá giảm lần lượt 12,7% và 0,2%. Khai thác khí tăng trong khi than đá giảm có thể liên quan đến nhu cầu sản xuất điện trong mùa khô do nguồn than trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, nền thấp của cùng kỳ 2017 cũng là một nguyên nhân.
Tính chung cả năm 2018, tốc độ giảm của ngành khai khoáng sẽ thấp hơn nhiều năm 2017 do than và khí quay lại có tăng trưởng dương. Khai thác than và khí thiên nhiên trong 11 tháng 2018 tăng 9,6% và 1,7% trong khi cả năm 2017 cả hai đều giảm âm.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng 11 tăng 11%, cao hơn tháng 10 là 10,1% nhưng vẫn thấp hơn lũy kế 10 tháng (12,5%) nên đã kéo tăng trưởng chung 11 tháng xuống 12,2%. Hầu hết các ngành quan trọng đều có cải thiện trong tháng 11 như điện tử, từ giảm 1,5% trong tháng 10 chuyển sang tăng 1,7%, sản xuất xe có động cơ từ 14,2% lên 20,2%, lọc hóa dầu tăng 81,9% lên 103,5%. Ngành dược tháng 11 tăng tới 32,5%, xóa tan những lo ngại về sự giảm tốc bất ngờ trong tháng 10 (giảm 0,2%). Sản xuất kim loại duy trì mức tăng trưởng cao 39% trong 2 tháng liên tiếp.
Ngành may mặc tăng 13,2%, thấp nhất 5 tháng nhưng tăng trưởng xuất khẩu dệt may tháng 11 vẫn rất khả quan, đạt 20,3%, kéo tăng trưởng xuất khẩu dệt may 11 tháng lên 17,4%. Cũng như dược, rất có thể sự giảm tốc của dệt may trong tháng 11 chỉ là nhất thời.
Ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế (nội thất) tiếp tục có tăng trưởng cao, đạt 20.1% trong tháng 11, kéo tăng trưởng 11 tháng lên 13,4%. Ngành sản xuất nội thất đã có tăng trưởng trên 20% trong 4 tháng liên tiếp là một chuyển biến rất tích cực bởi lâu nay ngành này chỉ tăng trưởng khoảng dưới 15%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 11 cũng tăng cao, tăng 21,9%, kéo tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng này 11 tháng lên 16,3%.
Ngành sản xuất nội thất là một ngành có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ về thương mại mà còn cả thu hút FDI. Nếu tận dụng tốt cơ hội, Việt nam sẽ có thêm một động lực tăng trưởng mới với nhiều lợi thế riêng có của Việt nam là nhân công giá rẻ và nguồn nguyên liệu dồi dào. Tổng giá trị xấu khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt nam trong 11 tháng là 8 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu mặt hàng tương tự chỉ là 2 tỷ USD.
Tính chung 11 tháng, một số ngành tăng trưởng cao và có đóng góp chính vào việc kéo tăng trưởng toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo là lọc hóa dầu tăng 63%, sản xuất kim loại 23,7%, dược phẩm 22,3%, xe có động cơ 16,3%, nội thất và giấy cùng đạt 13,4%.
Ngành giấy vốn có tăng trưởng khá trồi sụt nhưng trong 5 tháng gần nhất đã đạt tăng trưởng ổn định và xoanh quanh 15%.
Ngành điện tử dù vẫn đạt tăng trưởng hai chữ số là 11,2% nhưng lại đang ở xu hướng giảm dần đều và rất có khả năng ngành điện tử sẽ trở thành một trở ngại cho tăng trưởng năm sau.
Hy vọng cho ngành sản xuất điện tử là sự góp mặt của các “tân binh” nội địa và việc đầu tư nhà máy lắp ráp điện thoại mới của Samsung ở Việt nam thay thế cho các nhà máy tại Trung Quốc. Dẫu vậy, việc phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại sẽ tiếp tục tiềm ẩn rủi ro cho tăng trưởng.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong quý IV gần như chắc chắn sẽ thấp hơn 3 quý đầu năm do công nghiệp chế biến chế tạo không thể tạo ra đột biến trong tháng 12 và khai khoáng tiếp tục tăng trưởng âm. Là nhóm có vai trò chính trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng chậm lại của công nghiệp sẽ kéo giảm tăng trưởng GDP nói chung. Quý IV vì vậy sẽ có mức tăng trưởng GDP thấp nhất cả năm.
Dịch vụ trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng
Chỉ số bán lẻ loại trừ yếu tố lạm phát tháng 11 tăng lên mức cao nhất cả năm là 9,34% hứa hẹn ngành dịch vụ bán buôn bán lẻ sẽ duy trì được mức tăng trưởng cao trong quý IV. Vào các quý I, II và III, khi chỉ số bán lẻ là 8,6%, 8,3% và 8,8% thì tăng trưởng GDP ngành bán buôn bán lẻ là 7,45%, 8,21% và 8,48%. Ngành bán buôn bán lẻ có giá trị đứng thứ 3 chỉ sau công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp nên mức tăng trưởng cao hơn 8% của ngành sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng chung.
Dẫu tăng trưởng bán lẻ là tích cực, vẫn cần phải lưu ý về tình hình việc làm và tăng trưởng khách du lịch, 2 nhân tố có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Tăng trưởng lao động ngành công nghiệp 11 tháng vẫn đứng ở mức 3,1%, đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp tăng trưởng lao động xoay quanh mức 3%. Lao động ngành khai khoáng giảm 1,2% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,4%. Trong đó lao động ngành điện tử giảm sâu nhất 4,3%. Nếu lao động không cải thiện thì khó có thể làm tăng thu nhập người dân kéo tăng nhu cầu tiêu dùng.
Tăng trưởng khách quốc tế trong tháng 11 là 11%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng của 10 tháng là 22,4% nên đã kéo tăng trưởng 11 tháng xuống 21,3%, thấp nhất 29 tháng (loại trừ tháng thấp điểm tết nguyên đán).
Nhóm khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc tăng lần lượt 26,9% và 46,5%, mặc dù cao hơn tăng trưởng chung nhưng lại đang tăng chậm lại. Tháng 11, lượng khách Trung Quốc chỉ tăng 9% theo năm, trong khi tháng 11 cùng kỳ tăng tới 38,6%. Kinh tế tăng trưởng chậm và đồng CNY mất giá đã và đang ảnh hưởng đến nhu cầu của Trung Quốc không chỉ với du lịch mà còn với nhiều hàng hóa xuất khẩu khác của Việt Nam.
Ngành vận tải tiếp tục là điểm sáng với tăng trưởng luân chuyển hành khách và hàng hóa 11 tháng đạt 11% và 7,4%. Trong vận tải hành khách, luân chuyển hành khách hàng không đạt mức tăng trưởng cao nhất là 12,3%, cao hơn so với cùng kỳ là 10,3%.
Trong vận tải hàng hóa, luân chuyển hàng hóa đường biển có mức tăng trưởng thấp nhất 5,2% nhưng điểm tích cực là vận tải biển đã liên tục có cải thiện và mức 5,2% là cao nhất nhiều năm. Vận tải biển có tỷ trọng luân chuyển rất lớn, chiếm 51% tỷ trọng luân chuyển hàng hóa nên sự cải thiện của vận tải biển có tác động tích cực đến toàn ngành vận tải. Điều này cũng cho thấy mức độ lưu thông hàng hóa ra thế giới và các thị trường ở xa đang tăng lên rõ rệt. Vận tải, kho bãi là ngành có tỷ trọng đứng thứ 11 trong GDP và trong 9 tháng đã có tăng trưởng 7,55% nên với sự cải thiện trong quý IV, chắc chắn ngành này cũng sẽ kéo tăng trưởng chung.
Tựu chung lại từ các số liệu vĩ mô tháng 11 và 11 tháng có thể thấy tăng trưởng quý IV sẽ ở mức thấp nhất cả năm. Năm 2018 khởi đầu một cách thuận lợi và Việt Nam rất có thể đã chuyển mình cất cánh nếu không bất ngờ xuất hiện những làn gió ngược, đáng kể nhất là Samsung giảm sản lượng và chiến tranh thương mại leo thang. GDP từ chỗ tăng trên 7,4% đã giảm xuống dưới 6,9% vào quý III và sẽ còn thấp hơn trong quý IV.
Là một nền kinh tế có độ mở lớn với 2 thị trường chính lại là hai bên của cuộc chiến thương mại, Việt Nam đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, hiểu rõ nội lực và tận dụng thời cơ từ bên ngoài sẽ là nhân tố quyết định để chèo lái kinh tế vượt qua sóng gió, hướng tới lộ trình tăng tốc trong những năm tiếp theo.
Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích tư vấn khách hàng cá nhân SSI