Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing hỗ trợ tạo điều kiện việc tuân thủ các yêu cầu liên quan đến quy định về an toàn và sức khỏe, các quy định về sản phẩm, quy trình thử nghiệm và chứng nhận, các biện pháp cần thiết khác để tiếp cận thị trường quốc tế. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp (DN), việc theo dõi sự thay đổi về yêu cầu về sản phẩm tại các thị trường mục tiêu là việc quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp đến sự thành công hay thất bại của hoạt động kinh doanh và xuất khẩu.
Trong 2 thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự gia tăng mạnh về số lượng hàng rào kỹ thuật trong bối cảnh thuế quan liên tục giảm theo các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do. Khi mức thuế trung bình trên thế giới giảm theo các cam kết thì các thông báo về hàng rào kỹ thuật TBT (rào cản kỹ thuật trong thương mại) và SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật) lại có xu hướng tăng mạnh. Do đó, ngoài việc hỗ trợ DN, ePing còn hỗ trợ các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, sát với thực tế. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đối tác hướng dẫn và phổ biến ePing đến cộng đồng DN một cách hiệu quả.
Thực tế, nhiều DN gặp khó khăn trong việc cập nhật các SPS, TBT tại thị trường nước ngoài. Qua cuộc khảo sát DN của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) vào năm 2019, rào cản ngôn ngữ là một trong những thách thức lớn với DN nhỏ và vừa ở Việt Nam. “Đầu năm 2018, một loạt chất mới đã được thêm vào danh sách hoá chất bị cấm ở các nước châu Âu. Công ty chúng tôi đã không hề biết về điều này cho đến tận giữa vụ. Kết quả, sản lượng xuất khẩu giảm sụt mạnh do nông dân đã sử dụng hoá chất này quả lên vải” - một DN xuất khẩu vải thiều đông lạnh Việt Nam trong khảo sát của ITC về biện pháp phi thuế quan cho hay.
Để đối mặt với thách thức này, ITC, WTO và Cục XTTM phối hợp với các đơn vị liên quan ra mắt phiên bản tiếng Việt của ePing. “EPing phiên bản tiếng Việt sẽ giúp đơn vị xuất khẩu nhận được đầy đủ thông tin từ những thông báo của WTO một cách kịp thời nhất. Từ đó, các DN sẽ có bước giải quyết nhanh chóng trước những thay đổi về quy định tại các quốc gia đối tác và giúp họ xác định rõ hơn những trở ngại có thể phải đối mặt trong quá trình tuân thủ quy định mới”, bà Pamela Coke-Hamilton - Giám đốc điều hành ITC - cho biết.
Cụ thể, ITC đã phối hợp với Cục XTTM triển khai các hoạt động gồm dịch ePing sang tiếng Việt, cung cấp các khoá đào tạo cho DN về hệ thống và hướng dẫn tham gia hệ thống. Hiện tại ePing có 13.000 người dùng trên toàn thế giới và khoảng 350 người dùng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ePing còn là một nền tảng thảo luận về những thay đổi liên quan đến yêu cầu sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Các cơ quan Chính phủ có thể điều phối các cuộc thảo luận này về theo dõi các câu hỏi được hỏi hoặc các vấn đề được thảo luận”, ông Aki Hoe Lim - Giám đốc Ban Thương mại và Môi trường, WTO - cho hay.
Dự án ePing là một sáng kiến chung, được ra mắt vào năm 2016, nền tảng trực tuyến miễn phí này gửi cảnh báo cho những người đã đăng ký nhận thông báo về các lĩnh vực và thị trường mà họ quan tâm theo ngày hoặc tuần. Ngoài ra, ePing còn giúp tăng cường đối thoại trong nước và quốc tế.
Đây là lần đầu tiên ePing có ngôn ngữ không chính thức của WTO. Cục XTTM phối hợp với ITC, WTO, văn phòng SPS, văn phòng TBT tại Việt Nam và Đại học Ngoại thương triển khai hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt này. Các thông báo quan trọng được dịch sang tiếng Việt và một số giải thích về tác động tiềm tàng trong các quy định nước ngoài đối với hoạt động của DN địa phương cũng được thực hiện. Cho đến nay, dự án thí điểm này đã dịch 50 thông báo trong ngành thuỷ sản, da giày. Các thông báo SPS, TBT liên quan đến nông sản gồm trái cây, rau quả sẽ sớm được dịch.
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/ra-mat-he-thong-canh-bao-thuong-mai-toan-cau-eping-phien-ban-tieng-viet-236922.html