Bộ quà tặng trị giá gần 10 triệu đồng

Gói quà tặng dành cho người dùng đặt trước bộ ba Galaxy S20 tại Việt Nam.

Năm nay, Samsung tung ra tới ba máy thuộc dòng Galaxy S gồm S20, S20+ và S20 Ultra. Tuỳ theo từng đơn vị phân phối, bộ quà tặng dành cho khách hàng đặt máy trước ngày mở bán có thể khác nhau, tuy nhiên cơ bản sẽ gồm bao da Clear View (990.000 đồng) dành cho khách đặt Galaxy S20 (mẫu rẻ nhất trong bộ ba), tai nghe Galaxy Buds+ (4.490.000 đồng) cho khách đặt S20+ và S20 Ultra. Tất cả máy đều được giảm thêm hai triệu đồng, kèm một số ưu đãi từ Samsung.

Ngoài ra, những đại lý quy mô nhỏ vẫn tự thêm một số “đặc quyền” khác khi khách đặt mua Galaxy S20 series, ví dụ chương trình hoàn tiền lên tới hai triệu đồng (áp dụng song song với ưu đãi giảm hai triệu đồng kể trên), tặng phiếu mua hàng, trả góp 0%. Để tăng phần hấp dẫn, một vài nhà bán lẻ thông báo trừ tiền trực tiếp vào giá sản phẩm nếu khách đặt trước không lấy quà tặng.

Đây không còn là chiêu kinh doanh lạ đối với các smartphone cao cấp và cận cao cấp của Samsung tại thị trường Việt Nam. Nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc luôn chào giá sản phẩm ở mức rất cao, nhưng không quên đính kèm các ưu đãi trị giá nhiều triệu đồng để thu hút người tiêu dùng.

Trong khi cuộc cạnh tranh với đối thủ số một là Apple ở phân khúc smartphone, Samsung không ngừng cải tiến sản phẩm, thêm nhiều tính năng mới mẻ và không tiếc tiền tung các chương trình quà tặng, ưu đãi đầy hấp dẫn. Tuy nhiên đi kèm với đó là một cuộc leo thang về giá cả giữa các thương hiệu hàng đầu thị trường điện thoại thông minh mà trong đó, Apple và Samsung luôn là hai hãng tiên phong.

Galaxy S20 đánh dấu lần đầu smartphone dòng Galaxy S của Samsung tiến sát mốc 30 triệu đồng. Ảnh: Wired.

Bằng chứng là bộ ba Galaxy S20, S20+ và S20 Ultra có giá bán công bố lần lượt 21,49 triệu, 23,99 triệu và 29,99 triệu đồng. Mức giá này đánh dấu lần đầu tiên một flagship dòng Galaxy S của Samsung chạm ngưỡng 30 triệu đồng. Trong khi đó, smartphone cao cấp nhất từ Apple luôn ở mức trên 30 triệu đồng khi ra mắt ở kệ hàng chính hãng và cao nhất hiện nay là iPhone 11 Pro Max bản 512 GB giá lên tới 43,99 triệu đồng.

Quà to, lượng đặt hàng vẫn… nhỏ

Galaxy S20 series mở bán tại Việt Nam ngày 6/3. Theo công bố từ các đơn vị phân phối, lượng đặt hàng đối với bộ ba siêu phẩm này khá ảm đạm. Trên website của FPT Shop tính tới cuối chiều 2/3 mới có gần 4.000 người đặt trước, trong đó số khách đặt cọc chỉ hơn 1.500. Tại Thế Giới Di Động - hệ thống phân phối di động được xem là lớn nhất hiện nay, số liệu ghi nhận tại cùng thời điểm lần lượt là 3.351 và 2.660 khách.

Ở các hệ thống nhỏ hơn như CellphoneS hay Hoanghamobile, số lượng đặt hàng chỉ hơn 1.000 khách mỗi đơn vị. Hệ thống Mai Nguyên có hơn 300 đơn đặt hàng (số liệu từ website chính thức). Trang chủ Samsung Việt Nam cũng cho phép người dùng đặt trước sản phẩm, nhưng hiện hết suất cọc Galaxy S20 Ultra.

So với thế hệ tiền nhiệm Galaxy S10 ra mắt đầu 2019, những số liệu trên cho thấy bức tranh khá ảm đạm. Năm ngoái, bộ ba Galaxy S10 gồm S10e, S10 và S10+ phá vỡ mọi kỷ lục doanh số của dòng Galaxy S tại Việt Nam khi đạt lượng đặt trước thông qua các nhà bán lẻ lên tới 45.000 đơn, cao gấp ba lần so với Galaxy S9, model ra mắt năm 2018 từng được xem là rất thành công.

Ngay tại quê nhà Hàn Quốc, Samsung cũng ghi nhận những số liệu không vui khi doanh số ngày đầu bán ra của Galaxy S20 series chỉ đạt một nửa so với Galaxy S10 vào cùng kỳ. Cụ thể, Galaxy S10 tiêu thụ 140.000 máy, trong khi Galaxy S20 chỉ đạt 70.800 máy. Nếu so với con số 220.000 thiết bị của Galaxy Note 10 (hai phiên bản), rõ ràng Galaxy S20 series đang chịu thất bại thảm hại.

Doanh số của Galaxy S20 series là tin không vui đầu năm 2020 của Samsung. Ảnh: GSM Arena.

Tuy nhiên đây không hoàn toàn là lỗi từ phía Samsung hay do sản phẩm kém hấp dẫn. Hàn Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn khi dịch covid-19 bùng phát chưa có dấu hiệu kiểm soát được. Với hơn 4.200 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) ghi nhận vào sáng 2/3, Hàn Quốc đang là quốc gia có số người nhiễm cao thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc - nơi bệnh dịch bắt đầu bùng phát.

Samsung phải huỷ nhiều sự kiện và hoạt động truyền thông đại chúng liên quan tới Galaxy S20 series vì lo ngại tình trạng lây nhiễn virus corona, một trong những yếu tố tác động tiêu cực tới độ phủ sóng của sản phẩm. Bên cạnh đó, số người tới cửa hàng bán lẻ cũng ít hơn, trực tiếp khiến doanh số máy giảm mạnh.

Áp lực cho Samsung

Với tình cảnh ảm đạm hiện tại, Galaxy S20 series sẽ đánh mất giai đoạn đỉnh doanh số thường được xác lập trong đợt hàng đầu tiên sau khi mở bán.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất Hàn Quốc chỉ còn 5 tháng cho tới khi ra mắt dòng flagship Galaxy Note tiếp theo dự kiến vào tháng 8 năm nay. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, sức mua ảm đạm tiếp tục đè nặng lên mục tiêu doanh số Galaxy S20, chắc chắn người dùng không còn hào hứng với sản phẩm này mà sẵn sàng chờ đợi thế hệ Galaxy Note tiếp theo, thậm chí là dòng iPhone mới sẽ ra mắt vào cuối quý III, đầu quý IV/2020.

Galaxy S20 series sẽ không có nhiều thời gian để đạt doanh số kỳ vọng trong giai đoạn dịch covid-19 ảnh hưởng toàn cầu. Ảnh: Engadget.

Tại Việt Nam, giai đoạn “doanh số vàng” cho mỗi smartphone cao cấp cũng nhanh chóng trôi qua khi đợt mở bán đầu tiên kết thúc. Với lịch sử giảm giá nhanh chóng của smartphone Samsung, không ít người dùng sẵn sàng chờ máy giảm giá thông qua người dùng khác bán lại hay các chương trình trừ quà để có được siêu phẩm với mức giá hấp dẫn, hợp túi tiền hơn.

Theo những gì từng xảy ra với Galaxy S8/S8 Plus, S9/S9 Plus, S10/S10 Plus, Galaxy Note 8, Note 9… không ít khách hàng đặt cọc trước sẽ tách các món quà tặng cùng máy ra bán riêng để hưởng phần chênh lệch. Khi đó, những chiếc flagship của Samsung dù còn nguyên seal, đầy đủ bảo hành ngay lập tức mất vài triệu đồng (vì tách quà bán lẻ) sau khi bước ra khỏi cửa hàng.

Một tình huống tương tự hoàn toàn có thể xảy ra với bộ ba Galaxy S20 và người dùng hoàn toàn có lý khi chờ đợi những flagship này về mức giá dễ chịu hơn khi không đi kèm những phần quà vật chất đôi khi không cần thiết, thậm chí là dư thừa chỉ để câu kéo về mặt giá trị tiền bạc thay vì giá trị sử dụng.

Theo Anh Quân/Reatimes