Rau quả vải thiều, những loại trái cây như nhãn, na, bơ, sầu riêng, bưởi... cũng đang là những mặt hàng được ưa thích trên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, phân phối nông sản trên sàn thương mại điện tử là kênh hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Kênh tiêu thụ hiệu quả khi dịch bệnh
Bưởi Phúc Trạch vốn là sản phẩm nổi tiếng của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Năm 2021, năng suất của bưởi Phúc Trạch đạt tới 12 tấn/ha, tương đương sản lượng hơn 12.000 tấn. Vụ thu hoạch năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số thị trường tiêu thụ lớn của bưởi Phúc Trạch như TP.Hà Nội, TP.HCM đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ. Bằng chứng là khi bưởi Phúc Trạch bắt đầu vào mùa, lượng lớn sản lượng bưởi chưa được các thương lái, doanh nghiệp thu mua như mọi năm, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, HTX Đồng Chiến (Hương Khê, Hà Tĩnh), lo lắng vụ bưởi năm nay sẽ khó khăn trong việc tiêu thụ do dịch bệnh và mong muốn được các cấp quản lý nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ, giúp bà con nông dân bán được giá, đồng thời quảng bá nông sản và sớm đưa mặt hàng bưởi Phúc Trạch lên các sàn thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Hằng, đại điện HTX Nhật Hằng (Hương Khê, Hà Tĩnh) thông tin, tuy HTX đã bố trí các xe tải vận chuyển được cấp thẻ “luồng xanh", nhưng hiện nay do dịch bệnh COVID-19 nên các đầu mối tiêu thụ đều giảm sút mạnh…
Trước những khó khăn trên, một trong những giải pháp hữu hiệu là đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử. Theo đó, sàn thương mại điện tử Postmart cam kết sẽ tiêu thụ 500 tấn bưởi Phúc Trạch qua hệ thống bưu điện các tỉnh; Voso cũng cho biết sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm bưởi Phúc Trạch tới tay người tiêu dùng...
Nhiều sản phẩm nông sản Việt cũng đang đẩy mạnh đưa lên môi trường kinh doanh online. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương này đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch quả bơ với sản lượng khoảng 80 nghìn tấn, sầu riêng là 100 nghìn tấn. Trong bối cảnh đầu ra tiêu thụ còn gặp khó khăn, Đắk Lắk đang triển khai các kế hoạch để đưa bơ, sầu riêng cùng nhiều loại nông sản lên kênh online.
Tuy vậy, ông Dương cũng bày tỏ nỗi lo là hiện nay, để tham gia bán hàng trực tuyến quy mô lớn là cả một vấn đề. "Thực tế, Đắk Lắk từng có một sàn thương mại cà phê. Lúc đầu, chúng tôi cũng kỳ vọng lớn, nhưng sau 5-7 năm hoạt động, đến nay sàn đã phải ngừng hoạt động do chưa đồng bộ được chất lượng hàng hóa", ông Dương nói.
Hay như quả bơ, thời gian vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã đưa lên sàn thương mại điện tử nhưng chưa đạt hiệu quả cao vì quả bơ có nhiều chủng loại, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chuẩn mực hàng hoá theo tiêu chuẩn thị trường không đồng nhất, nên khách hàng muốn hợp tác thu mua vận chuyển với số lượng lớn còn khó khăn.
Đồng hành để đi đường dài
Theo đó, đại diện Sở Công Thương Đắk Lắk cho rằng, trước hết muốn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cần sản xuất theo định hướng, tiêu chuẩn của từng thị trường.
Đại diện các HTX nông nghiệp cũng bày tỏ mong muốn làm sao có thể đưa được nông sản lên sàn thương mại trong dài hạn chứ không chỉ trong đợt dịch năm nay.
Theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Sendo, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều mặt hàng nông sản của Sơn La, Hải Dương, Bến Tre, Đắk Lắk, Bắc Giang... được tiêu thụ trên sàn này.
Để thu hút các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia bán hàng, ông Dũng cho biết, Sendo đưa ra nhiều hỗ trợ như miễn phí vận chuyển, xây dựng thương hiệu... Về lâu dài, để giúp nông sản phát triển bền vững trên thương mại điện tử, Sendo mong muốn sự đồng hành, khuyến khích của cơ quan Nhà nước trong việc kết nối nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp ở các địa phương với doanh nghiệp thương mại điện tử.
Theo ông Bùi Huy Hoàng, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện Cục đã triển khai hợp tác phân phối mặt hàng nông sản ở các địa phương trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart, Lazada theo các hình thức khác nhau nhằm hỗ trợ tiêu thụ các nông sản, hàng Việt đến tay người tiêu dùng trên cả nước.
Điển hình là chương trình vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, bơ Đắk Lắk, nho Ninh Thuận, mận - xoài Sơn La... được phân phối trên các sàn thương mại điện tử khá đồng bộ. Để mở rộng kênh tiêu thụ trong giai đoạn chống dịch Covid-19 căng thẳng cần có sự liên kết chặt chẽ thông tuyến vận tải giữa các tỉnh trong việc vận chuyển hàng hoá, đồng thời vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các sàn thương mại điện tử lớn để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt nói chung, nông sản Việt nói riêng trên kênh thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” và các chương trình hợp tác liên Bộ.
Có thể thấy, nếu làm được tốt ở thị trường trong nước, thì viễn cảnh đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới bằng con đường thương mại điện tử là không khó. Ông Trần Chí Dũng, Phó Viện trưởng Viện Quản trị Logistics Toàn Cầu cho rằng, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cần làm nhanh hơn, vì thương mại điện tử đã phát triển trên thế giới từ khá lâu.
Nguồn: https://congly.vn/san-thuong-mai-dien-tu-giup-nong-san-viet-vuot-bao-covid-19-thanh-cong-193564.html