Căn hộ 25m2 là cần thiết

Với góc nhìn tích cực, đại diện DKRA Việt Nam cho rằng: Những căn hộ 25m2 sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở của những người có tài chính khiêm tốn; đồng thời kích hoạt thị trường với khả năng tiêu thụ tốt và giao dịch sôi động.

Theo khảo sát của DKRA Việt Nam, trong năm 2019, tỷ lệ căn hộ hạng C (diện tích dưới 50m2) trong mỗi dự án chỉ chiếm tỷ lệ từ 22 đến 33%. Trong khi đó, các loại hình như nhà trọ, căn hộ studio, chung cư cũ…đang tồn tại rất phổ biến, điều này cho thấy nhu cầu nhà ở diện tích nhỏ trên thị trường rất lớn.

Ông Phạm Lâm - CEO DKRA VietNam, căn hộ 25m2 là giải pháp dựa trên nhu cầu có thực về nhà ở

Liên quan đến căn hộ nhỏ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea cho rằng, nhu cầu nhà ở, nhất là “căn hộ nhỏ” của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người trẻ có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, kể cả chuyên gia nước ngoài tại TP.HCM là rất lớn.

Đại diện HoRea cũng chỉ ra ưu điểm của “căn hộ nhỏ” trong dự án là số tiền mua thấp hơn, phù hợp với những người có tài chính khiêm tốn. Chẳng hạn, với “căn hộ nhỏ” bình dân, diện tích tầm 25 - 30m2, thì tổng giá bán chỉ là 750 triệu đồng, rất vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu của nhiều người.

Tuy nhiên, việc cho phép xây dựng loại hình căn hộ 25m2 sẽ nảy sinh thêm nhiều vấn đề như: Đối tượng nào được ưu tiên tiếp cận căn hộ 25m2, phát triển căn hộ diện tích nhỏ ở khu vực nào, áp lực hạ tầng, giao thông ra sao?

Không để dự án nhà 25m2 áp lực lên hạ tầng

Đánh giá chung hiện nay, nhiều chủ đầu tư rục rịch chạy đua theo loại hình căn hộ nhỏ ở TP.HCM. Mục đích hướng đến là đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập trung bình, tạo thêm nguồn cung căn hộ dồi dào trên thị trường.

Theo đại diện HoRea, các quan ngại về việc cho phép xây dựng “căn hộ nhỏ” có thể kéo theo tác động làm quá tải hệ thống hạ tầng đô thị.

Căn hộ 25m2 có "giải khát" nhu cầu căn hộ nhỏ cho TP.HCM?

Ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA cho biết: “Cấp phép cho nhà ở 25m2 xây dựng ở đâu phải tính toán, phải có chiến lược quy hoạch rõ ràng. Bởi nó kéo theo sự gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông. Riêng TP.HCM, cần thiết phải hoạch định khu vực phù hợp để bố trí các dự án dạng này”.

Thực tế ở TP.HCM, một số dự án đã gây áp lực lên hạ tầng, các tính toán chưa kịp với sự phát triển. Nếu không có sự tính toán lâu dài thì ảnh hưởng đến sự phát triển chung không chỉ về giao thông mà còn cả môi trường sống, không gian sống, ông Lâm nhận định thêm.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng đã lường trước hệ quả này, nên đã quy định chi tiết tỷ lệ “căn hộ nhỏ” trong dự án chung cư nhà ở thương mại.

Theo thông tư số 21/2019/TT-BXD có hiệu lực từ 01/7/2020 nêu rõ: Diện tích tối thiểu căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25m2 và không vượt quá 25% tổng số căn hộ của dự án. Thực tế hiện tại, khi thông tư này có hiệu lực đã tạo ra nhiều ý kiến thảo luận trên thị trường bất động sản.

Ngoài câu chuyện đặt dự án căn hộ 25m2 ở đâu, vấn đề hạn chế đầu cơ căn hộ, chính sách cho người có chưa có nhà ở, người thu trung bình được ưu tiên mua nhà dạng này thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng, chuyên gia.

Theo Công Hưng/Reatimes