Các cửa hàng của công ty này không nhận thanh toán bằng tiền mặt và khách hàng chỉ có thể trả tiền qua ứng dụng Luckin, đi kèm các chương trình khuyến mại.
Startup Trung Quốc - Luckin Coffee vừa huy động được 150 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất từ các nhà đầu tư gồm BlackRock Inc. Theo đó, công ty này được định giá 2,9 tỷ USD.
Năm 2018, Luckin đã mở hơn 1.700 cửa hàng trên khắp Trung Quốc, trong đó gồm một cửa hàng tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh - địa danh lịch sử mà Starbucks bị yêu cầu rời khỏi hơn một thập kỷ trước. Startup Trung Quốc thu hút khách hàng với giá rẻ và ứng dụng công nghệ hiện đại - điều đang buộc Starbucks phải thay đổi.
Việc Luckin mở rộng nhanh chóng và thách thức chuỗi cafe Mỹ cho thấy các startup Trung Quốc đang ngày càng trở thành đối thủ đáng gờm của các thương hiệu phương Tây tại một trong những thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, với hơn 3.000 cửa hàng tại Trung Quốc, Starbucks hiện vẫn lớn hơn nhiều so với Luckin. Công ty này có kế hoạch tăng gần gấp đôi con số đó vào cuối năm 2022. Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ 2 của Starbucks sau Mỹ.
Chuỗi cà phê Trung Quốc từng được rót vốn bởi các nhà đầu tư gồm quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và China International Capital Corp Ltd.
Theo tin Reuters, tháng 2/2019, Luckin Coffee đã tiếp cận 3 ngân hàng gồm Credit Suisse để thảo luận về kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ trong năm 2019. Nguồn tin của Reuters cũng cho biết chủ tịch của công ty này đang muốn vay một khoản ít nhất 200 triệu USD từ các ngân hàng gồm Goldman Sachs và Morgan Stanley.
Điểm chung duy nhất của Starbucks và Luckin là cùng phục vụ cà phê. Nhưng không giống Starbucks, cửa hàng của Luckin là những gian hàng nhỏ, chuyên nhận đơn trực tuyến, cho cả giao hàng và phục vụ tại chỗ. Quan trọng hơn, Luckin đưa công nghệ làm yếu tố cốt lõi trong hoạt động kinh doanh ngay từ đầu. Các cửa hàng của công ty này không nhận thanh toán tiền mặt. Khách hàng chỉ có thể trả tiền qua ứng dụng Luckin, đi kèm các chương trình khuyến mại
Luckin có kế hoạch mở thêm 4.500 cửa hàng vào cuối năm 2019, đi trước Starbucks để trở thành chuỗi cà phê lớn nhất của Trung Quốc. Startup này thu hút khách hàng bằng giá rẻ và sử dụng công nghệ nắm bắt thói quen của người tiêu dùng. Điều này buộc Starbucks phải tăng cường công nghệ của mình nhiều hơn.
Hans Wang - một nhà nghiên cứu 33 tuổi tại thành phố Hàng Châu - cho biết: "Việc này vô cùng tiện lợi và tiết kiệm thời gian”. Hans thường đặt hàng qua ứng dụng rồi nhận tại cửa hàng.
Những khách hàng ngày càng có nhu cầu các kiểu dịch vụ như thế này khi Trung Quốc đang ngày càng kết nối hơn. Và đến tận gần đây, Starbucks mới bắt đầu có dịch vụ như vậy.
Tháng 8/2018, Starbucks hợp tác với hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - Alibaba để triển khai dịch vụ giao hàng tại nhà. Một tháng sau đó, Luckin công bố hợp tác với Tencent - một đại gia công nghệ khác của Trung Quốc, cũng là đối thủ của Alibaba.
Yuwan Hu - nhà phân tích tại Hãng tư vấn Daxue Consulting (Thượng Hải) cho rằng, cạnh tranh từ Luckin cũng đang thúc đẩy Starbucks tập trung hơn vào thương hiệu của mình tại Trung Quốc.
Chiến lược hiện tại, Luckin đang tập trung cạnh tranh về giá. Công ty này tung ra các chương trình khuyến mại giảm giá qua mạng xã hội WeChat của Tencent, đồ uống của công ty này nhìn chung rẻ hơn so với của Starbucks, Yuwan Hu cho biết.
Nguyễn Sinh