Theo đó, Thông tư 26 gồm 3 điều với các nội dung sửa đổi, bổ sung chính gồm:

  • Sửa đổi hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1, điều 26 Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi;
  • Bổ sung quy định về việc kiểm soát sử dụng thẻ để rút tiền mặt, thanh toán tại nước ngoài; 
  • Sửa đổi quy định về đối tượng được mở, sử dụng thẻ, bao gồm cả thẻ chính và thẻ phụ;
  • Sửa đổi, bổ sung các hành vi bị cấm và quy định phòng ngừa rủi ro phát sinh trong thanh toán qua các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT)….

Hạn mức rút tiền mặt ở nước ngoài không quá 30 triệu đồng

Về hạn mức thẻ, Thông tư 26 quy định tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) thoả thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ đối với chủ thẻ phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật.

Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam/ngày.

Về hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ do TCPHT xác định theo quy định nội bộ của TCPHT về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng và tối đa là 1 tỷ đồng Việt Nam.

Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm thì hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng Việt Nam.

15 tuổi trở lên được sử dụng thẻ tín dụng

Thông tư 26 sửa đổi quy định về đối tượng được mở và sử dụng thẻ (bao gồm cả chủ thẻ chính vả thẻ phụ), theo đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.

Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ cũng sẽ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.

Đối với chủ thẻ chính là tổ chức, Thông tư quy định tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sử dụng các loại thẻ. Chủ thẻ là pháp nhân được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của pháp nhân hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ theo quy định tại Thông tư này.

Trường hợp đối tượng được sử dụng thẻ là người nước ngoài thì phải được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.

Giám sát chặt chẽ thanh toán thẻ tại nước ngoài

Ở nội dung sửa đổi, Thông tư quy định tổ chức thanh toán thẻ phải phối hợp với các TCPHT, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, ĐVCNT, các cơ quan chức năng và các bên liên quan khác trong việc phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động thẻ; xây dựng tiêu chí lựa chọn ĐVCNT và thực hiện đánh giá, phân loại các đối tượng có nhu cầu chấp nhận thanh toán thẻ phù hợp với đặc điểm, ngành nghề kinh doanh;

Thông tư cũng quy định TCPHT phải áp dụng tối thiểu hai hình thức tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại của chủ thẻ bao gồm qua tổng đài điện thoại (có ghi âm, hoạt động 24/24 giờ trong ngày, 7/7 ngày trong tuần) và qua các điểm giao dịch của TCPHT, đảm bảo xác thực những thông tin cơ bản mà chủ thẻ đã cung cấp cho TCPHT.

TCPHT phải thực hiện ngay các biện pháp để khóa thẻ khi chủ thẻ đề nghị do nghi ngờ có gian lận hoặc tổn thất và chịu trách nhiệm với toàn bộ tổn thất tài chính phát sinh đối với chủ thẻ do việc sử dụng thẻ sau thời điểm khóa thẻ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/3/2018, trừ một số điều khoản có quy định khác. Thông tư này cũng bãi bỏ khoản 1 và khoản 6 Điều 1 Thông tư số 30/2016/TT-NHNN ngày 14/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán.

Nội dung chi tiết Thông tư số 26/2017/TT-NHNN xem tại đây.

Theo Bảo Châu/Reatimes.vn