Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. Theo đó, đa số thành viên Chính phủ đồng ý phương án quy định hiệu lực “hồi tố” đối với Nghị định này, cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ trong các năm 2017, 2018, 2019 do vượt quá tỷ lệ 20% sang các kỳ tính thuế tiếp theo. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo đúng quy định trước ngày 29/3/2020.
Theo thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, VNREA được biết, sau khi có ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc không áp dụng hiệu lực hồi tố đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20 cho các kỳ tính thuế trước năm 2019.
VNREA cho rằng, quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định trong trường hợp này dường như đã “đi ngược lại” với lựa chọn của đa số thành viên Chính phủ, “không tiếp thu” ý kiến của Bộ Tư pháp (cho rằng việc áp dụng hồi tố hay không hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về mặt pháp lý) và cũng không phù hợp với báo cáo của chính Bộ Tài chính gửi Chính phủ, trong đó thừa nhận sự thiệt thòi (chính xác là thiệt hại) cho những doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện chính sách thuế của nhà nước theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Nghị định 20.
Việc không quy định hiệu lực hồi tố của Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho rất nhiều doanh nghiệp trong cả nước, với số tiền ước tính khoảng 4.975 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nêu trên, để tháo gỡ khó khăn, hạn chế tổn thất của doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tạo động lực cho sự phát triển chung của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, VNREA một lần nữa khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quy định hiệu lực “hồi tố” cho Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20, theo đó trần lãi vay 30% cần được áp dụng các các kỳ tính thuế năm 2017, 2018, 2019 đối với tất cả các doanh nghiệp (không phân biệt doanh nghiệp đã qua thanh tra, kiểm tra thuế hay chưa); cho phép doanh nghiệp chuyển phần chi phí lãi vay vượt mức khống chế theo quy định tại Nghị định 20 sang kỳ sau, thời gian chuyển có thể xem xét và 5 năm kể từ sau kỳ bị loại, phù hợp với quy định về kỳ chuyển lỗ.
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, VNREA tin tưởng rằng, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo quyết liệt, luôn thể hiện tinh thần của Chính phủ hành động, kiến tạo, chủ động.
"Chắc chắn việc quy định hiệu lực “hồi tố” sẽ đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp và tối ưu hoá lợi ích của mô hình công ty mẹ - con theo Luật Doanh nghiệp", kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định./.