Thế là, vấn đề kéo dài dai dẳng mấy năm nay đã được giải quyết.
Sự việc tóm tắt như sau: Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, ở khoản 3, Điều 8 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp" (trước khi có Nghị định 20 mức khống chế là 30%).
Mục tiêu của Nghị định 20 là để chống chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi các công ty mẹ ở nước ngoài cho các công ty con ở Việt Nam vay với lãi suất thật cao để khấu trừ vào chi phí, làm thất thu thuế. Nhưng Nghị định lại áp dụng cho cả các doanh nghiệp trong nước. Do đó, đã gây khó và thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước làm ăn chân chính vì bị đánh thuế chồng thuế khi trung chuyển vốn vay, cho vay lại hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty… Đồng thời, mức áp trần chi phí phí lãi vay 20% đã bóp nghẹt sự phát triển của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi nhận thấy sự bất cập này, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến sửa đổi điều khoản trên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh mức lãi vay từ 20% lên 30% nhưng chỉ cho áp dụng đối với năm 2019, mà không cho hồi tố đối với số tiền thuế doanh nghiệp đã nộp oan năm 2017 và 2018. Reatimes đã đăng nhiều bài viết, ý kiến của các chuyên gia pháp lý và kinh tế, phân tích cặn kẽ về sự vô lý khi Bộ Tài chính viện dẫn những lý do không thuyết phục để khăng khăng bảo vệ cho đề xuất của mình, kể cả khi đã được Bộ Tư pháp tháo gỡ về mặt pháp lý nếu cho hồi tố.
Rất may, khi đưa ra lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, hầu hết các thành viên Chính phủ đã đồng ý áp dụng hồi tố điều khoản này đối với các năm 2017, 2018. Cụ thể, ngày 27/3, Văn phòng Chính phủ đã nhận được 22/26 phiếu ý kiến, trong đó có 19/22 thành viên Chính phủ (86,4%) chọn quy định cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018; 18/22 thành viên Chính phủ (81,8%) chọn quy định cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ, sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm; 22/22 thành viên Chính phủ (100%) đồng ý với các nội dung còn lại của Dự thảo Nghị định.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhà đầu tư, có thể ví như “dòng máu” chảy trong cơ thể doanh nghiệp. Việc quy định và áp dụng hồi tố là nguyên tắc thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta, thể hiện quan điểm của một Chính phủ kiến tạo và tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.
Kết quả này gần như đồng nghĩa với việc, những doanh nghiệp đã bị tính thuế oan trong các năm 2017, 2018 sẽ được hoàn lại thuế. Như Reatimes đã nhiều lần phân tích và bình luận, việc cho hồi tố này không những bảo đảm sự công bằng, hợp tình hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà trong sự tác động dữ dội của đại dịch toàn cầu Covid-19, thì đây còn là giải pháp hỗ trợ gián tiếp của Chính phủ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch, để cố gắng bảo toàn và sau đó có cơ phục hồi hoạt động.
Điều đó càng chứng tỏ một điều, Chính phủ luôn lắng nghe, đồng cảm, đồng hành cùng doanh nghiệp để chia sẻ khó khăn, với đúng vai trò một chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiền nhân có câu: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Ý nghĩa của việc cho phép hồi tố khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định 20 không chỉ dừng lại ở số tiền thuế được hoàn, mà còn thể hiện trách nhiệm của Chính phủ đối với doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển đất nước, đặc biệt trong hoàn cảnh các doanh nghiệp cùng với cả nước đang phải vật lộn, căng mình ra để vượt qua đại dịch toàn cầu Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.
Chỉ có một điều đáng tiếc, đó là, nếu Bộ Tài chính thực sự khách quan và sáng suốt hơn, thì vấn đề hồi tố khi sửa Nghị định 20 đã không đến nỗi căng thẳng và kéo dài đến tận bây giờ. Thực ra, trong kiến nghị đầu tiên, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất cho hồi tố đối với năm 2017 và 2018. Điều đó chứng tỏ, bản thân Bộ Tài chính trong thâm tâm cũng thấy rõ, việc cho hồi tố là hợp tình hợp lý và là giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu cho chính lĩnh vực thuế mà Bộ được giao trọng trách.
Tuy nhiên sau đó, Bộ lại quay ngoắt 180 độ, khăng khăng không đồng ý hồi tố, mặc dù Bộ Tư pháp đã nói rõ việc cho hồi tố là không vướng mắc về mặt pháp lý, thậm chí Bộ Tư pháp còn viện dẫn trường hợp đã từng cho hồi tố áp dụng trong chính lĩnh vực thuế của Bộ Tài chính. Rất tiếc, Bộ Tài chính đã không đủ bản lĩnh để giữ chính kiến, bảo vệ lẽ phải và công bằng cho doanh nghiệp, cũng là bảo vệ lợi ích lâu dài cho đất nước, nên đã chọn cách dễ cho mình, đẩy cái khó cho người khác và dồn doanh nghiệp đến bờ vực…
Nhiều người cho rằng, thực ra trong vấn đề này, Bộ Tài chính chỉ muốn bảo vệ lợi ích cục bộ của mình là giữ số thu trước mắt không bị hụt, mà không nghĩ đến hậu quả của nó sẽ gây tác động xấu đến sản xuất, đến phát triển kinh tế. Và suy cho cùng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút hoặc suy thoái, sẽ ảnh hưởng trực tiếp cả trước mắt và lâu dài đến nguồn thu trong chính lĩnh vực thuế. Bộ cũng chỉ muốn giành lấy thuận lợi cho mình, vì sợ cho hồi tố sẽ gây phức tạp cho các khâu nghiệp vụ xử lý thuế và công tác cán bộ của ngành thuế, nói trắng ra là sợ việc cho hồi tố sẽ phát sinh tiêu cực, “làm hỏng” cán bộ thuế.
Tuy nhiên, tiền nhân đã từng dạy: Nói phải củ cải cũng nghe. Huống hồ là Bộ Tài chính. Tôi tin rằng, đến giờ phút này, Bộ cũng đã thực sự cảm thông với nỗi khổ của doanh nghiệp mà sẵn sàng chia sẻ gánh nặng trong nỗi lo về số thu ngân sách.
Thế mới biết, làm tư lệnh một ngành thật khó. Trong đó, cái khó nhất là phải biết vượt qua chính mình, phải biết vượt qua lợi ích cục bộ của một ngành, để đồng hành cùng doanh nghiệp, cũng là toàn tâm toàn ý vì lợi ích chung của đất nước./.