Như Reatimes đã đề cập trong những ngày qua, sau khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có ý kiến sửa đổi khoản 3 Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết (gọi tắt là Nghị định 20), Bộ Tài chính được giao soạn Dự thảo sửa đổi. Tuy nhiên, Nghị định sửa đổi đến nay vẫn chưa được ký ban hành, chỉ vì Bộ Tài chính khăng khăng bảo vệ cho lợi ích cục bộ của ngành mình. Bản chất vấn đề là nâng mức trần khống chế lãi vay được khấu trừ thuế từ 20 lên 30% đã nhanh chóng có được sự đồng thuận, nhưng khúc mắc là ở chỗ có hay không cho hồi tố.

Ban đầu, Bộ Tài chính đề xuất cho áp dụng hồi tố đối với năm 2017, 2018. Tuy nhiên sau đó, Bộ lại quay ngoắt 180 độ, đề xuất không cho hồi tố. Từ đây, bắt đầu phát sinh rắc rối vì chưa có sự đồng thuận trong Chính phủ. Đó cũng là điều bình thường.

Điều đáng nói là sau khi có ý kiến của Bộ Tư pháp, rằng việc cho hồi tố là “không có vướng mắc về mặt pháp lý”, Bộ Tài chính vẫn cố chấp, đề xuất Thủ tướng “không cho hồi tố”. Thậm chí, ngay cả khi hầu hết các thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu đồng ý cho hồi tố, Văn phòng Chính phủ đã gửi bảng tổng hợp kết quả lấy ý kiến thành viên Chính phủ để Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng, thì Bộ này vẫn khư khư ôm lấy quan điểm đã bị đa số thành viên Chính phủ bác trước đó và thêm một lần nữa, vẫn khăng khăng “bảo lưu ý kiến không áp dụng hồi tố”.

Theo quy chế làm việc của Chính phủ, trong trường hợp đa số thành viên chính phủ đã thông qua nhưng vẫn còn ý kiến khác, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ chủ trì tổ chức ngay cuộc họp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp và bộ, cơ quan liên quan để trao đổi thống nhất ý kiến. Trong thời hạn 5 ngày làm việc sau cuộc họp, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu, giải trình, hoàn thiện và ký tắt vào dự thảo văn bản; Văn phòng Chính phủ lập Phiếu trình giải quyết công việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nhưng, như Reatimes đã đưa tin, ngày 3/4/2020, Bộ Tài chính lại có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP, trong đó lại một lần nữa đề xuất không cho phép xử lý hồi tố. Lý do không cho hồi tố vẫn giữ y nguyên 5 vấn đề như những lần trước đó đã báo cáo, khác chăng là lần này thêm yếu tố viện dẫn Luật Thanh tra. Do đó, để không làm mất thời gian của bạn đọc, chúng tôi sẽ không phân tích những điều đã phân tích cặn kẽ cả về lý và tình trước đây, mà chỉ đi sâu phân tích thêm điểm thứ nhất và nội dung mà Bộ Tài chính mới bổ sung lần này.

Vấn đề thứ nhất: Theo Bộ Tài chính, “Theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, hiệu lực trở về trước (hồi tố) của văn bản quy phạm pháp luật được quy định như sau: "1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước".

Qua rà soát, Bộ Tài chính thấy dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 chỉ điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, việc áp dụng hồi tố cần được cân nhắc”.

Theo các chuyên gia kinh tế - pháp lý, việc hồi tố 2 năm không phải là phức tạp. Ảnh minh họa.

Như vậy, lý do đầu tiên Bộ Tài chính không cho hồi tố là do đối tượng điều chỉnh ít (một nhóm) nên không được áp dụng. Điều này là trái với khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 mà Bộ đã dẫn chiếu. Bởi, theo điều luật này, việc hồi tố được áp dụng khi “để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội”. Như vậy, việc hồi tố được áp dụng ngay cả với đối tượng là “tổ chức”, thậm chí là "cá nhân”, chứ đâu phải “một nhóm đối tượng” thì không được áp dụng?!(!).

Hơn nữa, ở điểm này, Bộ Tài chính cho rằng việc “sửa đổi khoản 3 Điều 8 chỉ điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế”, nghĩa là số ít nên không cho áp dụng hồi tố. Thế nhưng, cũng trong văn bản này, ở phần cuối Bộ Tài chính lại đánh giá: “Mặt khác, như Bộ Tài chính đã báo cáo ở trên, việc hồi tố sẽ dẫn đến thủ tục phải hoàn thuế cho hàng nghìn doanh nghiệp, nếu không xác định được số thuế phải nộp, số thuế phải hoàn qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì dễ dẫn đến tiêu cực”.

Ơ hay! Ở đầu văn bản, Quý Bộ viện cớ việc sửa Nghị định 20 chỉ điều chỉnh một số ít đối tượng nên không cần hồi tố; thế mà đến cuối văn bản, cũng vẫn Quý Bộ lại viện cớ nếu hồi tố sẽ phải hoàn thuế cho rất nhiều doanh nghiệp (“hàng nghìn”) nên dễ dẫn đến tiêu cực, và lấy cớ đó để “không cho hồi tố”. Hóa ra, khái niệm “số ít”, “số nhiều” đã bị Quý Bộ đánh tráo một cách "không ngượng mồm", với động cơ chỉ nhằm khư khư bảo vệ cho quan điểm sai trái của mình.

Vấn đề thứ hai: Trong văn bản lần này (và cũng phải khẳng định thêm là sau bốn văn bản với cùng 5 lý do hệt như nhau sau khi "tiếp thu", "giải trình"), Bộ Tài chính có nêu thêm một lý do "mới", liên quan đến Luật Thanh tra, nguyên văn như sau: “Qua rà soát Luật Thanh tra, Bộ Tài chính thấy đối với các doanh nghiệp ngành thuế đã xử lý truy thu qua thanh, kiểm tra nếu cho điều chỉnh kê khai xác định lại chi phí lãi vay được trừ theo phương án hồi tố thì việc kiểm soát số liệu kê khai lại số thuế sẽ chủ yếu phụ thuộc vào tính tự giác tuân thủ của doanh nghiệp. Việc kiểm soát chính xác số liệu kê khai lại sẽ gặp nhiều khó khăn vì nếu muốn xác định chính xác số thuế thì cần phải tổ chức kiểm tra nội dung điều chỉnh kê khai tại trụ sở doanh nghiệp, nhưng cơ quan thuế chỉ được tiến hành thanh tra lại khi người ký quyết định thanh tra phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật cụ thể trong tiến hành hoạt động thanh tra hoặc cơ quan, người có thẩm quyền khác phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng làm sai lệch bản chất vụ việc. Chỉ thị số 20/CT-TTG ngày 17/5/2020 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu không thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp”.

Về nội dung này, chúng tôi xin được trao đổi như sau:

Thứ nhất, với những trường hợp đã gương mẫu, tiên phong hay nói đúng hơn là chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước về thuế, mà Bộ Tài chính không phải "xử lý truy thu qua thanh, kiểm tra...", thì sẽ thuộc trường hợp nào? Có vướng mắc gì hay không, hay cũng phải chịu chung "số phận" như các doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế, thưa Quý Bộ Tài chính?

Thứ hai, cứ theo như viện dẫn ở trên, Bộ Tài chính lo nếu hồi tố thì đối với những doanh nghiệp mà “ngành thuế đã xử lý truy thu qua thanh, kiểm tra”, nay doanh nghiệp này lại kê khai gian dối thì Bộ sẽ khó kiểm soát vì muốn xác định chính xác số thuế thì cần phải tổ chức kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính thì muốn tiến hành “thanh tra lại”, phải “phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật cụ thể trong tiến hành hoạt động thanh tra”.

Tuy nhiên, cứ theo dẫn chiếu và giải trình của Bộ Tài chính, thì vấn đề không phải như vậy. Bởi vì, việc “ngành thuế đã xử lý truy thu qua thanh, kiểm tra” doanh nghiệp trước đây (nếu có) là việc kê khai thuế theo Nghị định 20 ban hành năm 2017 và là kê khai thuế lần đầu. Còn sắp tới nếu cho hồi tố khi sửa Nghị định 20, thì là kê khai bổ sung và theo Nghị định sửa đổi. Như vậy, cả nội dung kê khai và điều luật điều chỉnh việc kê khai đều khác nhau. Do đó chúng tôi cho rằng, cơ quan thuế hoàn toàn có quyền thanh, kiểm tra doanh nghiệp nếu nghi ngờ kê khai gian dối, và điều này là thanh, kiểm tra bình thường (lần đầu) theo Nghị định sửa đổi, chứ không phải là “thanh tra lại” theo Nghị định cũ.

Như vậy, trong lập luận của mình, Bộ Tài chính dường như đã lại đánh tráo khái niệm lần nữa, đánh đồng giữa Nghị định ban hành năm 2017 với Nghị định sửa đổi sắp được ban hành, đánh tráo khái niệm thanh tra lần đầu với “thanh tra lại” (?!).

Còn việc Bộ Tài chính lo trong “Chỉ thị số 20/CT-TTG ngày 17/5/2020”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “không thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp”; thì điều này... không có gì đáng lo. (Ở đây cũng cần mở ngoặc nói nhỏ với Bộ, là Chỉ thị nói trên ban hành ngày 17/5/2017, chứ không phải ngày 17/5/2020. Bởi đến nay, mới là ngày 4/4, thì sao đã ban hành văn bản ngày 17/5 được. Và chữ viết tắt theo đúng văn bản gốc là TTg chứ không phải TTG). Bởi vì, chỉ thị của Thủ tướng là để chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra tràn lan, trùng lắp, chồng chéo với mục đích “hành doanh nghiệp” là chính, chứ không phải là cấm thanh tra, kiểm tra. Mặt khác, cứ cho Bộ Tài chính là cơ quan gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành chỉ thị của Thủ tương đi nữa, thì các cuộc thanh tra, kiểm tra trước đây đã thuộc về năm cũ, sang năm nay hoàn toàn có thể tiến hành kiểm tra cơ mà. Hoặc nếu đã có cuộc thanh tra, kiểm tra đầu năm nay rồi, thì đầu sang năm vẫn có quyền kiểm tra, chứ doanh nghiệp có trốn đi đâu mà sợ.

Vấn đề ở đây, nếu có lo thì hãy lo chuyện cán bộ thuế có lợi dụng việc thanh tra này để “hành” doanh nghiệp hay không (như Bộ Tài chính lo việc cho hồi tố sẽ sinh ra cơ chế “xin cho” và nảy sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến việc quản lý cán bộ của ngành) mà thôi.

Còn vấn đề tiêu cực, “xin cho” trong ngành thuế nói riêng và lĩnh vực tài chính nói chung, thì chẳng nói ra dư luận cũng đã rõ, đâu phải chỉ việc cho hồi tố hay không hồi tố mới nảy sinh hay không nảy sinh tiêu cực. Mà suy cho cùng, nếu cán bộ của Bộ Tài chính đều trong sáng, thanh liêm, chí công vô tư…, thì dẫu có cho hồi tố cũng chả ai có thể nhuộm đen những cán bộ liêm chính ấy được. Còn nếu cán bộ xấu, thoái hóa, biến chất, sa ngã, tiêu cực, tham ô tham nhũng… thì đó là lỗi ở công tác cán bộ của Bộ và lãnh đạo Bộ, chứ đâu phải ở chính sách, pháp luật?

Vì vậy, để kết thúc bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nói thêm một điều rằng, điều gì thuộc về Bộ, thì Bộ phải dám chịu trách nhiệm, chứ đừng mang tiêu cực ra dọa dư luận, cũng đừng đánh tráo khái niệm để đổ vấy trách nhiệm cho chính sách./.

Thời điểm hiệu lực của Nghị định 20 là từ năm 2017, và doanh nghiệp đã không được khấu trừ phần chi phí lãi vay này khi tính thuế trong 2 năm (2017 và 2018), như vậy doanh nghiệp đã phải trả nhiều thuế hơn (có doanh nghiệp phải trả thêm vài chục thậm chí hàng trăm tỷ VND); điều này xem ra thiếu công bằng so với năm 2019 (năm dự kiến bắt đầu được tính theo tỷ lệ mới là 30%) và thiếu công bằng so với các doanh nghiệp khác. Điều này cũng là để đảm bảo lợi ích công bằng cho doanh nghiệp, chính là cho xã hội (vì doanh nghiệp cũng là 1 bộ phận cấu thành nền kinh tế - xã hội).

Nếu cho áp dụng hồi tố sẽ giảm bớt tình trạng “thuế chồng thuế”, do bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế đó (do không được hồi tố).

Thứ ba, về mặt kỹ thuật, việc hồi tố 2 năm đó cũng không phải là phức tạp, vì có thể trừ trực tiếp từ tiền nộp thuế năm 2019. Trường hợp, số thu ngân sách Nhà nước thấp hơn số bồi hoàn năm nay, thì có thể để cấn trừ trong năm tới hoặc bồi hoàn luôn (xem ra sẽ rất ít xảy ra trường hợp này). Nguồn thanh toán số tiền bồi hoàn có thể lấy từ phần trừ trực tiếp tiền nộp thuế năm 2019 như nêu trên.

Quá trình thực hiện với công cụ công nghệ thông tin hiện nay và có giám sát thực hiện nghiêm túc, thì sẽ không xảy ra cơ chế xin - cho.

Ngoài ra, việc không cho áp dụng hồi tố còn thể hiện tính thiếu nhất quán áp dụng của cơ quan quản lý (cho áp dụng năm 2019 mà lại không cho áp dụng 2 năm trước, trong khi doanh nghiệp đã nộp khoản thuế đó rồi). Còn cho áp dụng hồi tố vừa thể hiện tính nhất quán của cơ quan quản lý, vừa hỗ trợ một số doanh nghiệp, nhất là bối cảnh dịch Covid-19 năm nay; và đó cũng là cách nuôi dưỡng niềm tin và nguồn thu.

TS. Cấn Văn Lực

Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia 


Theo Nhà báo Bùi Văn Doanh /Reatimes