Lời Tòa soạn:
Ngày 1/8/2024, Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực, đánh dấu một chương mới trong lĩnh vực quản lý đất đai và thị trường bất động sản Việt Nam. Một trong những thay đổi mang tính đột phá nhất là việc bỏ khung giá đất – bước tiến lớn trong nỗ lực minh bạch hóa và đưa giá đất tiệm cận với giá thị trường.
Trước khi Luật Đất đai 2024 ra đời, những bất cập liên quan đến giá đất luôn là tâm điểm của các cuộc thảo luận tại các diễn đàn. Bởi giá đất từng là nguồn cơn của hàng loạt vấn đề, dẫn đến hơn 70% các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai.
Đến nay, đã có 19 địa phương ban hành bảng giá đất mới, với mức giá tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Bảng giá đất mới được xây dựng sát với giá thị trường không chỉ giúp minh bạch hóa quá trình thu thuế, đền bù giải phóng mặt bằng mà còn giảm thiểu tình trạng khiếu kiện kéo dài do giá bồi thường không thỏa đáng.
Tuy nhiên, việc áp dụng giá đất mới cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù thu hồi đất, và các loại thuế phí liên quan đều tăng, đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực hơn trong việc xây dựng bảng giá đất phù hợp với thực tế từng khu vực. Áp lực đặt lên vai các nhà quản lý là rất lớn: làm sao để giá đất mới thực sự trở thành động lực phát triển, thay vì gây cản trở cho doanh nghiệp và chính sách an sinh xã hội của người dân.
Trước bối cảnh đó, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Tác động của bảng giá đất mới đến thị trường bất động sản". Tuyến bài sẽ đánh giá chi tiết ảnh hưởng của giá đất mới lên từng phân khúc bất động sản, cũng như tác động đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
Liệu giá đất mới có trở thành đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hay sẽ là gánh nặng làm phát sinh những vấn đề mới? Đó là câu hỏi cần lời giải từ cả chính sách và thực tiễn triển khai.
Bảng giá đất mới của Hà Nội vừa được công bố đã ngay lập tức gây "choáng" với mức tăng phi mã từ 2 đến 6 lần so với trước đây. Liệu đây chỉ đơn thuần là một sự điều chỉnh kỹ thuật, hay là cú hích mạnh mẽ tạo nên "làn sóng" mới trên thị trường bất động sản Thủ đô? Việc điều chỉnh bảng giá đất không chỉ tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế và đời sống xã hội. Bên cạnh những cơ hội để tài nguyên đất đai được sử dụng hiệu quả hơn và kích thích tư duy quy hoạch đô thị, bảng giá đất mới cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi phải có lời giải cho bài toán cân bằng thị trường. Bài viết này sẽ phân tích những tác động đa chiều của bảng giá đất mới, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho thị trường bất động sản Hà Nội.
Việc điều chỉnh bảng giá đất của Hà Nội nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa giá đất Nhà nước quy định và giá giao dịch thực tế. Bởi trước đây, bảng giá đất tại nhiều khu vực chỉ bằng 10 - 30% giá trị thị trường, gây thất thu ngân sách từ tiền sử dụng đất và thuế chuyển nhượng, đồng thời dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai.
Mặc dù bảng giá đất mới mang lại những mặt tích cực như minh bạch hóa thị trường, tăng nguồn thu ngân sách cho đầu tư hạ tầng và các lĩnh vực xã hội, nhưng mức tăng mạnh từ 2 - 6 lần cũng tạo ra nhiều áp lực.
Thứ nhất, việc tăng chi phí đầu tư, đặc biệt là chi phí đất đai, đang tạo áp lực không nhỏ lên thị trường bất động sản. Giá đất tăng kéo theo chi phí đầu tư cho các dự án, từ nhà ở, văn phòng đến khu công nghiệp đều tăng theo. Trước đây, chi phí đất thường chiếm khoảng 20 - 30% tổng giá thành dự án, nhưng nay có thể lên tới 40 - 50%. Điều này khiến giá bán nhà ở hoặc giá thuê văn phòng có thể tăng thêm 15 - 25%.
Tuy nhiên, trong thách thức cũng có một số cơ hội. Áp lực chi phí đất tăng cao cũng chính là động lực thúc đẩy sự sáng tạo trong quy hoạch và thiết kế. Khi tài nguyên đất đai trở nên khan hiếm và đắt đỏ, các dự án cần được tối ưu hóa về hiệu suất công năng, giảm thiểu lãng phí, đồng thời vẫn phải đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua với mức giá hợp lý.
Mặt khác, giá đất cao hơn đồng nghĩa với việc tài nguyên hữu hạn của Nhà nước – đất đai – sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, từ đó tạo giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế. Đây là động lực để các khu đất vàng, các dự án chậm triển khai sớm được tái khởi động hoặc khai thác đúng tiềm năng.
Thứ hai, việc tăng chi phí đầu tư bất động sản, bên cạnh những mặt tích cực, cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy trong ngắn hạn cần được kiểm soát chặt chẽ.
Cụ thể, sự lệch pha cung - cầu trên thị trường bất động sản có thể trở nên rõ nét hơn. Chi phí đầu vào tăng cao khiến nhiều dự án phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô, làm nguồn cung nhà ở mới sụt giảm. Trong khi đó, "cơn khát" nhà ở, đặc biệt là phân khúc giá rẻ, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sự mất cân bằng này có thể đẩy giá nhà lên cao hơn nữa, tạo nên vòng xoáy tăng giá khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, áp lực lên doanh nghiệp và người dân sẽ gia tăng. Các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đối mặt với bài toán chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận và sức cạnh tranh. Còn người dân, đặc biệt là các gia đình trẻ và người có thu nhập thấp, sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nhà ở khi giá nhà tiếp tục leo thang.
Thứ ba, sự tăng giá đất không chỉ tác động đến từng dự án riêng lẻ mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tăng giá trên toàn thị trường bất động sản. Tại khu vực trung tâm, nơi tập trung những quận nội thành sầm uất như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, giá nhà ở được dự đoán sẽ tăng mạnh. Điều này phản ánh đúng giá trị thực của những vị trí đắc địa này, tuy nhiên cũng đồng thời làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của người dân có thu nhập trung bình.
Còn tại vùng ven và ngoại thành, đặc biệt là những khu vực đang được đầu tư mạnh về hạ tầng như: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức,... giá đất nền và nhà ở thương mại cũng sẽ có xu hướng tăng. Đây là cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng phát triển của các đô thị mới, đồng thời góp phần giảm tải áp lực dân số và giao thông cho khu vực trung tâm. Tuy nhiên, khi giá đất bị đẩy lên quá cao, liệu rằng sức hấp dẫn của thị trường có còn đủ mạnh? Các nhà đầu tư cần tỉnh táo và thận trọng để tránh rơi vào "bẫy" đầu cơ, thổi giá.
Thực tế chúng ta cũng đã thấy, thị trường bất động sản Hà Nội đã và đang "nóng" lên từng ngày với giá nhà chung cư và giá đất tăng chóng mặt, thậm chí có dấu hiệu "ảo", vượt xa khả năng chi trả của người dân. Điều này khiến không chỉ người dân "méo mặt" mà ngay cả những nhà hoạch định chính sách cũng phải đau đầu tìm phương án kiểm soát.
Nhưng ghịch lý thay, bảng giá đất mới với mức tăng mạnh, tiệm cận giá thị trường thực tế, liệu có vô tình "tiếp tay" cho "cơn sốt" này. Việc điều chỉnh bảng giá đất theo hướng tăng mạnh, thay vì "hạ nhiệt" thị trường, lại đang hợp thức hóa cho những mức giá "trên trời", vốn đã bị nghi ngờ là ảo. Liệu đây có phải là một bước đi đúng đắn, hay lại vô tình đẩy thị trường bất động sản vào vòng xoáy tăng giá mới?
Bảng giá đất mới của Hà Nội, với mức tăng đáng kể, đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, không phải không có cách "hạ nhiệt" những áp lực này. Để giảm thiểu tác động tiêu cực, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, với những giải pháp mang tính chiến lược và dài hạn.
Thứ nhất, để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, chúng ta cần tập trung vào hai hướng chính: Chống lãng phí và khuyến khích tái sử dụng.
Trước hết, cần có những chính sách quyết liệt để giải quyết tình trạng dự án treo, giải phóng mặt bằng những khu đất bị bỏ hoang, không được sử dụng hiệu quả. Điều này giúp tăng nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu đất đai ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc phân bổ lại quỹ đất công cần ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, khu đô thị xanh và hạ tầng công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Cùng với đó, cần khuyến khích việc tái sử dụng đất thông qua việc cải tạo, nâng cấp các khu đất cũ, khu công nghiệp đã hết hạn sử dụng để phát triển các dự án mới. Giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên đất mà còn hạn chế tình trạng đô thị hóa tràn lan, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ hai, đẩy mạnh hạ tầng và quy hoạch đô thị. Cụ thể, cần tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, mở rộng đường xá, bổ sung thêm các tiện ích xã hội tại vùng ven và ngoại thành. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực cho khu vực trung tâm, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an cư lạc nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.
Song song đó, cần áp dụng công nghệ và tư duy sáng tạo vào quy hoạch và thiết kế các dự án bất động sản. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp tối ưu hóa diện tích sử dụng, giảm chi phí xây dựng và nâng cao giá trị sử dụng của các công trình. Xu hướng "xanh", thông minh và bền vững cần được ưu tiên hàng đầu, góp phần kiến tạo nên những không gian sống chất lượng, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng đóng vai trò then chốt trong việc ổn định và phát triển thị trường bất động sản. Cụ thể, cần có những chính sách ưu đãi về thuế, phí hoặc vốn vay để giúp các doanh nghiệp bất động sản thích ứng với bảng giá đất mới, vượt qua khó khăn và tiếp tục hoạt động hiệu quả.
Song song đó, việc tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân cũng là một ưu tiên hàng đầu. Cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đồng thời có thêm các chính sách hỗ trợ tín dụng, đặc biệt là cho người mua nhà lần đầu, nhằm giảm bớt áp lực về giá cả, giúp người dân dễ dàng sở hữu một mái ấm cho riêng mình.
Dự báo thị trường bất động sản Hà Nội
Nhìn chung tích cực, bảng giá đất mới sẽ góp phần gia tăng giá trị cho nền kinh tế. Khi tài nguyên đất đai được sử dụng hiệu quả hơn, giá trị gia tăng từ các dự án bất động sản sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP. Đồng thời, giá đất cao sẽ sàng lọc các nhà đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của các dự án bất động sản xanh, thông minh và bền vững, phù hợp với xu thế toàn cầu. Bên cạnh đó, quy hoạch hợp lý và phát triển hạ tầng đồng bộ sẽ giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân, giảm áp lực lên giao thông và môi trường đô thị.
Riêng tại thị trường Hà Nội, trong ngắn hạn, từ 6 đến 12 tháng tới, giá nhà ở khu vực trung tâm dự kiến sẽ tăng từ 15 - 25%, trong khi đất nền và nhà ở thương mại tại vùng ven có thể tăng 10 - 20%. Nguồn cung nhà ở mới có thể tạm thời sụt giảm do chi phí đầu tư tăng, nhưng sẽ sớm ổn định trở lại khi doanh nghiệp thích ứng với chính sách mới.
Còn về dài hạn, từ 2 đến 5 năm tới, khu vực trung tâm sẽ ổn định ở mức giá cao, trong khi vùng ven và ngoại thành sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ hạ tầng được đầu tư đồng bộ và các dự án quy hoạch mới.
Tóm lại, bảng giá đất mới của Hà Nội không chỉ là công cụ điều chỉnh giá trị đất đai mà còn là cơ hội để tái cấu trúc thị trường bất động sản, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tạo động lực tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự mang lại hiệu quả, cần có sự đồng bộ trong quản lý, quy hoạch và hỗ trợ các bên liên quan.
Hà Nội đang đứng trước một giai đoạn chuyển mình quan trọng. Nếu vượt qua được những thách thức ngắn hạn, Thủ đô sẽ vươn mình trở thành một trong những đô thị phát triển bền vững và sáng tạo hàng đầu khu vực, mang lại lợi ích không chỉ cho nền kinh tế mà còn cho toàn xã hội.
Nguồn: https://reatimes.vn/tac-dong-cua-bang-gia-dat-moi-den-thi-truong-bat-dong-san-ha-noi-se-ganh-ap-luc-nao-202241223100951104.htm