Hằng năm, cứ độ cuối thu đầu đông, khi những thửa ruộng bậc thang vàng óng ánh đã kịp thu hoạch, những người yêu vẻ đẹp thanh bình của bản làng lại tiếp tục hành trình rong ruổi tìm về Tây Bắc để chiêm ngưỡng thức loài hoa phơn phớt màu tím – hồng, li ti như hoa dại, chẳng hương, chẳng vị nhưng đủ làm say lòng lữ khách.
Tam giác mạch vốn là loại hoa chẳng ưa nước, nhờ vậy mà chỉ có thể sinh sôi, nở rộ tại vùng đất khô cằn sỏi đá như Tây Bắc để rồi từ lòng đất vươn lên những bông hoa mỏng manh tạo thành bức tranh rực rỡ chốn núi đồi. Có người ví loài hoa này như một minh chứng cho vẻ đẹp căng tràn sức sống của Tây Bắc khi thiên nhiên thời tiết không nhiều ưu đãi: “Nắng Lào Cai, mưa dai Yên Bái”, vậy mà có năm nào cánh đồng hoa “quên” nở rộ vào thu.
Hoa cũng như thiếu nữ Tây Bắc, khoe sắc mềm mại, mỏng manh với màu trắng nõn khi bắt đầu nở rộ. Trong trẻo, tinh khôi tựa sương sớm. Theo thời gian hoa bắt đầu “chín”, vẻ đẹp chín mùi ửng màu hồng phớt như đôi gò má của những cô gái xuân thì, ngọt ngào và e ấp. Rồi sắc hồng chuyển sang màu tím thủy chung tựa như những phụ nữ tìm được bến đỗ bình yên, đằm thắm và dịu dàng. Và khi mùa hoa gần kết thúc, tam giác mạch quyết dâng hết nhựa sống cho đời bằng gam màu đỏ nồng nàn trước khi tàn phai. Thời điểm đó cũng là lúc hạt tam giác mạch đã chín mùi, ẩn mình dưới lá.
Ngay khi thân tam giác mạch còn non, các chị, các mẹ lại tranh thủ hái về để chế biến bữa ăn cho gia đình như một loại rau thông thường. Rau có vị ngai ngái đặc trưng, người lần đầu thưởng thức có thể e dè nhưng khi đã ăn quen, hương vị đặc trưng quyến luyến nơi đầu lưỡi. Ăn một lần vẫn muốn quay lại chốn núi rừng để thưởng thức lần thứ 2, thứ 3.
Rồi khi hoa sắp tàn, phụ nữ Tây Bắc địu con trên lưng hay các em nhỏ theo mẹ ra đồng tay thoăn thoắt thu hoạch hạt tam giác mạch - thức hạt nhỏ hơn đầu ngón tay có hình dáng như quả chuông về phơi khô làm lương thực dự trữ.
Mùa đông Tây Bắc với cái rét căm căm cắt da cắt thịt, sương phủ kín triền đồi, đó cũng là lúc gian bếp của những căn nhà trong bản làng đỏ lửa nồi cháo nghi ngút khói từ loại bột xay từ hạt tam giác mạch. Cứ thế, mọi người quây quần thưởng thức món ăn ấm lòng trong lúc chờ sương tan. Với trẻ con, hạt hoa rang là thức ăn vặt yêu thích những lúc vui đùa thấm mệt hay khỏa lấp cơn đói cồn cào trong lúc đợi cơm. Thức hạt nhỏ hơn đầu ngón tay khi rang lên có vị bùi bùi đặc trưng, đặc biệt ngon khi ăn lúc còn ấm nóng.
Nếu phụ nữ đảm đương công việc chế biến món ăn từ tam giác mạch thì duy chỉ có rượu, đàn ông mới tường tận công thức. Vẫn là hạt tam giác mạch nhưng được ủ lên men với tỉ lệ 1 mạch – 2 ngô tạo ra hương vị đặc trưng chẳng lẫn vào đâu được. Rượu từ hạt hoa không cay nồng như rượu gạo, không ngọt thanh như rượu cần mà dung hòa cả hai.
Rồi trong không khí se lạnh của chốn núi rừng, trong điệu kèn lá du dương của người Mông, những lữ khách phương xa may mắn có dịp nhâm nhi từng ngụm nhỏ chén rượu mạch, nghe người dân bản làng kể về sự tích hoa, về những bữa ăn ấm lòng ngày đông nhờ cánh đồng tam giác mạch… Thế mới hiểu sao, dẫu không có năng suất cao như ngô như gạo, nhưng người dân vẫn cần mẫn vun trồng. Bởi tự bao đời, tam giác mạch gần gũi thân thuộc, tựa như một phần của chốn núi rừng Tây Bắc
Người dân bản làng trân quý hoa như trân quý thức quà của trời. Còn riêng những kẻ lãng du vẫn mãi bị níu chân bởi trót “say hoa” và cả “say” cả tình Tây Bắc.