Trước tình trạng xuất hiện trên thị trường một số sản phẩm giả mạo thuốc cổ truyền và thuốc cổ truyền được trộn các hoạt chất tân được không được đăng ký lưu..., Cục Quản lý Y-Dược cổ truyền, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP yêu cầu tăng cường kiểm tra, truyền thông sử sụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Ngày 8-5, Cục Quản lý Y-Dược học cổ truyền, Bộ Y tế đã có văn bản số 234/YDCT-QLD gửi Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về Tăng cường kiểm tra, truyền thông sử dụng thuốc cổ truyền có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Văn bản nêu rõ: Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y-Dược cổ truyền) nhận được một số kết quả kiểm nghiệm và thông tin trên các cơ quan truyền thông về một số sản phẩm giả mạo thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền có trộn các hoạt chất tân dược không được đăng ký lưu hành, như: Thuốc điều trị bệnh tiểu đường, thuốc điều trị các bệnh đau nhức xương khớp, thuốc dùng ngoài điều trị trùng thú cắn…và một số loại thuốc khác.
Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị các Sở Y tế tăng cường kiểm tra các sản phẩm có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả cơ sở công lập và tư nhân) và cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn tỉnh, thành phố. Xử lý nghiêm các cơ sở có sử dụng sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật.
|
Chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng có liên quan như Cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức kinh doanh thuốc cổ truyền không được đăng ký lưu hành và không có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, tăng cường hoạt động truyền thông, hướng dẫn cho người dân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh nhận thức rõ sự nguy hại tới sức khoẻ và trách nhiệm của việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc cổ truyền không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo quy định của pháp luật và không do các cơ sở sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định.
Trước đó, Cục Quản lý Y-Dược cổ truyền cũng có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, TP đề nghị thu hồi và tiêu huỷ nhãn thuốc y học cổ truyền có tên gọi “Viên thuốc màu xám” có tác dụng trị bệnh tiểu đường do thuốc này không ghi số lô; đồng thời, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện tân dược trong thuốc này.