Lượng mua hàng tăng nhẹ
Sáng nay 2/8, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Nội và siêu thị Big C Thăng Long, về việc dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong thời gian dịch Covid-19.
Theo báo cáo của đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội và siêu thị Big C, lượng khách đến mua hàng trong mấy ngày gần đây có tăng nhưng không quá nhiều, hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.
Đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân có thể sẽ tăng đối với loại hình phân phối bán lẻ hiện đại khi dịch bệnh có diễn biến xấu, nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước để bảo đảm cung cấp cho người dân.
Các doanh nghiệp cũng đã tái lập áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên toàn hệ thống các cửa hàng trực thuộc như tăng lượng dự trữ hàng hóa, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp… (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào khu vực siêu thị, cửa hàng…).
Đồng thời các doanh nghiệp cũng tăng cường việc giao hàng tại nhà nhằm tạo thuận lợi cho công tác mua sắm của người dân.
Tại siêu thị Co.opmart Hà Nội, đại diện Saigon Co.op cũng báo cáo về các hoạt động hưởng ứng Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2020 của hệ thống như tổ chức riêng khu trưng bày hàng hóa Việt Nam, các hoạt động khuyến mại từ 30-50%, giảm giá mạnh cho các mặt hàng thiết yếu, phục vụ chống dịch tại hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Nội...
Đặc biệt, hệ thống này cho biết sẽ áp dụng giảm giá sâu cho gần 30.000 sản phẩm hàng Việt Nam trong chương trình "Tự hào hàng Việt 2020" tới đây. Hoạt động này nhằm mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển hiệu quả, bình ổn thị trường cung cầu hàng hóa.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận và đánh giá cao siêu thị Co.opmart Hà Nội cũng như hệ thống Saigon Co.op trên cả nước đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương chuẩn bị nguồn cung đầy đủ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu và tích cực tổ chức các hoạt động nhằm bình ổn thị trường, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam, hưởng ứng Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2020.
Không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá
Theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng đã được tái khởi động trở lại theo các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu của địa phương tương ứng với các kịch bản cấp độ của dịch bệnh đã được xây dựng trước đây theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Tình hình thị trường tại các địa phương trên cả nước tương đối ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, mua gom tích trữ lương thực, thực phẩm; nguồn cung cơ bản đáp ứng cơ bản nhu cầu, giá cả tương đối ổn định do người dân có kinh nghiệm từ lần dịch trước nên đã bình tĩnh hơn trước các diễn biến của dịch bệnh.
Hiện Sở Công Thương các tỉnh thành có người mắc bệnh như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… đã triển khai lực lượng xuống các địa bàn, các điểm bán hàng của các siêu thị để chỉ đạo việc tăng nguồn cung, kiểm tra việc cung ứng hàng hóa; đồng thời phối hợp với các nhà phân phối, các quận, huyện tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ.
Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời chỉ đạo, ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các hệ thống phân phối và các đơn vị có liên quan trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục nhu cầu người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương triển khai sát sao, quyết liệt.
Vì thế, theo Bộ Công Thương, người dân tại các tỉnh, thành phố trên địa bàn toàn quốc không nên quá hoang mang, lo lắng và cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các cấp có thẩm quyền.