Họ vẫn làm việc, vẫn trực ca, lặng lẽ với công việc để mang đến cho người dân thông tin thời tiết chính xác nhất.
365 ngày đếm gió, đo mây
Giữa đất trời Sa Pa bị bao trùm bởi sương mù dày đặc, Trạm Khí tượng Sa Pa (thị trấn Sa Pa, Lào Cai) nằm lặng lẽ, nép mình vào trong mây. Trước kia, nơi đây còn rất hoang vu, chẳng mấy khi có bóng dáng người dân, ngoài những quan trắc viên làm việc tại trạm. Vài năm trở lại đây, khi du lịch Sa Pa phát triển, du khách đến đông, con đường lên trạm được làm mới, việc đi lại cũng bớt khó khăn phần nào.
Với những người làm nghề quan trắc, áp lực công việc là một phần và không ít người trong số họ còn đối diện với sự lẻ loi đến cô độc. Do đặc thù công việc, các trạm khí tượng, thủy văn thường đặt ở những nơi địa hình hiểm trở, cả ngày chỉ nghe tiếng chim muông, thác nước nên điều đó trở thành nỗi “ám ảnh” với nhiều người. Ngay cả những ngày lễ, Tết, họ chỉ có một mình, lặng lẽ quan sát “bắt bệnh của trời”, cho ra bản tin dự báo thời tiết để mọi người an tâm nghỉ ngơi, du ngoạn.
Chị Tô Thị Hội là Trạm trưởng Trạm Khí tượng Sa Pa. Nhìn bề ngoài chẳng ai bảo chị thuộc thế hệ 8X bởi dáng vẻ già dặn và có phần cũ kỹ của chị. Chính thức về trạm công tác từ năm 2006 và gắn bó với nó đến tận bây giờ đã được 12 năm.
Theo chị Hội cho biết, hiện nay tại Trạm khí tượng Sa Pa có 3 quan trắc viên thay phiên nhau trực, trong số 3 người ở đây, chị Hội là người có thâm niên nhất, còn lại đều mới. Là mới so với chị Hội thôi, chứ tuổi nghề cũng ngót nghét cả chục năm cả rồi. Đa phần những người làm việc tại trạm đều ở tỉnh khác đến, nhưng khi làm việc một thời gian thì đều gắn bó, xây dựng gia đình tại địa phương và trở thành “thổ địa” nơi này.
Trạm Khí tượng Sa Pa nằm trên núi cao
Công việc hàng ngày của chị Hội và các quan trắc viên là ghi chép các số liệu bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, mưa, nắng, mây, rồi quan trắc tầm nhìn ngang, quan trắc các hiện tượng khí tượng, nhiệt độ mặt đất, bốc hơi, nhiệt kế khô, nhiệt kế ướt…Tất cả những con số này được các quan trắc viên ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác tuyệt đối, sau đó sẽ chuyển về Đài Khí tượng thủy văn Lào Cai, rồi từ đó chuyển về Đài Khí tượng thủy văn Việt Bắc, đóng tại TP Việt Trì (Phú Thọ); cuối cùng số liệu được đưa về Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Hà Nội) để các chuyên gia phân tích, xử lý thành bản tin dự báo thời tiết hàng ngày phục vụ đời sống xã hội.
Theo quy định của ngành Khí tượng, một ngày các trạm phải thực hiện đủ 4 kỳ quan trắc vào các khung giờ: 1h, 7h, 13h và 19h. Mỗi kỳ quan trắc như vậy được gọi là 1 ốp (1 ca) và mỗi ca như vậy chỉ có một quan trắc viên làm, nghĩa là nếu ai phải trực ngày hôm đó sẽ phải làm việc 24/24 giờ ở trạm.
Chị Hội kể, thời gian đầu mới về trạm chưa quen, chị cũng cảm thấy sợ, vì chỉ có một mình trên trạm vào các ca trực. Chị bảo không phải vì sợ ma quỷ mà sợ “nhỡ chẳng may có làm sao chắc cũng chả ai biết”.
Chị Lục Thị Dể bắt đầu ca quan trắc của mình tại vườn quan trắc vào lúc 1 giờ sáng
Tò mò và muốn hiểu thêm công việc thú vị này, tôi theo chân chị Lục Thị Dể (quan trắc viên mới được tăng cường về trạm trong 3 tháng để thay cho một quan trắc viên khác đang nghỉ sinh) đi ốp. Buổi tối, Sa Pa rét tê tái, nhiệt độ xuống đến 4-5 độ C, trời lất phất mưa. Ra ngoài trời trong thời tiết ấy đối với nhiều người là “cực hình”, nhưng với chị Dể đó là thói quen. Đúng giờ quy định, chị lặng lẽ cầm sổ và đèn pin ra vườn quan trắc để “đếm gió, đo mây”, cặm cụi ghi chép những thông số lên giản đồ chuyên dụng, mã hóa số liệu để truyền về Trung tâm.
Không có một tiếng động nào ngoài tiếng bước chân, tiếng thở và nhịp đập của con tim. Chị Dể lúi húi làm việc, còn tôi lẽo đẽo bám theo như một cái bóng. Công việc quan trắc khí tượng không nặng nhọc hay độc hại, nhưng lại rất áp lực về thời gian đến mức trở thành nỗi "ám ảnh”. Nếu chỉ một chút chậm trễ, thông số chuyển về Trung tâm sai lệch, có thể phải trả giá rất đắt. Vì vậy, đòi hỏi quan trắc viên phải làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ từng chi tiết để đưa ra số liệu chính xác nhất và thao tác nhanh nhất.
Với đặc thù công việc của ngành nên những người như chị Hội, chị Dể phải làm việc 365 ngày/năm. Ngày lễ, ngày Tết cũng chẳng khác gì ngày thường, thậm chí còn vắng vẻ hơn, bởi ngày Tết mọi người về quê quây quần bên gia đình thì các quan trắc viên vẫn phải bám trụ tại trạm.
Phút giao thừa lặng lẽ
Chị Hội kể cho tôi nghe câu chuyện về cái Tết đầu tiên của chị ở Trạm Khí tượng Sa Pa. Chị bảo, đó là năm đầu tiên chị đón giao thừa một mình ở nơi xa lạ, không có người thân bên cạnh.
Chị Hội lấy chồng cùng quê Yên Bái, khi vừa cưới được một tuần thì chị nhận tin đỗ công chức và được phân công về công tác tại Trạm Khí tượng Sa Pa. Người vợ trẻ phải xa chồng vừa mới cưới, xách ba lô lên đường đến một vùng đất mới để nhận công tác. Và cũng ngay năm đó, chị phải đón giao thừa ở trạm một mình.
Giao thừa, tiếng chuông nhà thờ ngoài thị trấn vang vọng khiến chị Hội bâng khuâng nỗi nhớ nhà, nhớ người chồng vừa mới cưới còn chưa bén hơi nhau. Nước mắt chảy tràn trên mặt chị trong đêm giao thừa năm ấy. Nhưng rồi bản thân chị lại tự nhủ “mình còn trẻ, mới có gia đình, chưa có con cái nên cần cố gắng, đồng nghiệp của mình họ cũng phải như thế, lần này là mình, lần sau là người khác”. Chị Hội vượt qua khó khăn bằng những lời tự động viên như thế.
Đến bây giờ,chồng chị và các con cũng đã chuyển từ Yên Bái lên Lào Cai để gia đình được sống gần nhau. Những cái Tết của chị ở trạm cũng đã bớt hiu quạnh hơn nhưng chị bảo, chị không bao giờ quên được cái Tết xa nhà đầu tiên ấy.
Không chỉ có chị Hội, mà chị Đào Thị Thanh Nga (SN 1979, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu khí hậu nhiệt đới núi cao Sa Pa) cũng là những người có thâm niên đón Tết tại trạm. Trước khi chuyển xuống Trạm Nghiên cứu khí hậu hồi đầu năm 2018, chị Nga đã có 17 năm làm ở Trạm Khí tượng Sa Pa và cũng là 17 năm chị đón giao thừa tại trạm. Nhưng có điều chị may mắn hơn những chị em khác bởi không phải xa chồng, xa con.
Chị Nga tâm sự, hồi mới lên trạm làm việc, nơi này còn rất hoang vu, xung quanh không có nhà dân, một thân một mình nên rất sợ. Dần dà, khi đã quen với công việc thì chẳng còn biết sợ là gì. Vào dịp Tết, chị cố gắng cùng chồng chuẩn bị mua sắm cho gia đình vào trước Tết, chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa cho bố mẹ chồng thật sớm rồi chị lên trạm, lặng lẽ làm công việc của mình và đón thời khắc chuyển giao năm mới tại nơi làm việc.
Tết của những người quan trắc viên cũng có bánh chưng, có thịt, có giò như mọi nơi, nhưng khác là không có sự náo nhiệt, đầm ấm. Xung quanh chỉ có máy móc, thiết bị, có mây, gió và mưa, nắng…, khi buồn quá thì lại cắm cúi vào công việc để quên đi nỗi nhớ gia đình.
Chia sẻ thêm về công việc của những người làm quan trắc tại Trạm Khí tượng, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc cho biết, điều khiến ông trăn trở nhất là hầu hết quan trắc viên đều làm việc rất lâu năm tại các trạm, có người đến hơn 20 năm trong hoàn cảnh xa gia đình, điều đó phần nào khiến cho họ chưa yên tâm công tác. Tuy nhiên,vượt qua khó khăn, họ vẫn rất tâm huyết, vẫn cống hiến hết mình với nghề.
Và quả thật, trong câu chuyện của chị Nga, chị Hội hay chị Dể, tôi luôn thấy một sự lạc quan và niềm đam mê với công việc. Đối với họ, công việc lặng lẽ ấy góp phần rất quan trọng vào đời sống xã hội, cũng như phát triển kinh tế của đất nước. Mỗi bản tin thời tiết chính xác giúp người dân tránh được thiệt hại do thiên tai là hạnh phúc lớn nhất của những người làm công tác khí tượng.
Một mùa Xuân mới lại về, trong cái ồn ào náo nhiệt của phố phường, đâu đó vẫn có những con người bình dị, ngày đêm thực hiện công việc trong lặng lẽ, đó là các quan trắc viên thời tiết, những chuyên gia “bắt bệnh của trời”.