Theo tiếng Triều Châu, "bá" hay "bạ" là thịt, còn "trạng" là bánh ú. Vì vậy, người miền Nam còn gọi đây là bánh ú mặn để phân biệt với loại bánh ú có nhân đậu xanh ngọt.
Bánh bá trạng được gói bằng lá tre hoặc lá chuối. Lá được rửa sạch rồi luộc sơ qua, vuốt cho phẳng, để ráo nước trước khi gói bánh.
Nguyên liệu chính của bánh chủ yếu là gạo nếp, đậu xanh. Gạo nếp có thêm ít muối rồi ngâm trong nước 3 tiếng, đậu xanh thì thời gian ngâm gấp đôi để đậu mềm và nhanh chín hơn.
Nhân bánh bá trạng thường bao gồm thịt, trứng muối, tôm khô, đậu phộng, nấm đông cô. Tất cả nhân đều được tẩm ướp gia vị. Đây cũng là công đoạn quan trọng vì quyết định mùi thơm của bánh.
Các nguyên liệu đều được trộn đều với gia vị để tăng hương vị của bánh. Các lớp trong được gói bằng lá tre, lá chuối bọc bên ngoài.
Bánh bá trạng thường có 2 loại, loại nhỏ khoảng 500gram, loại lớn khoảng 800gram. Những chiếc bánh trong quá trình gói được đặt lên cân để đảm bảo độ chính xác.
Bánh có hình dáng gần giống với bánh chưng của người Việt nhưng vì gói bằng tay, không dùng khuôn nên không vuông vức bằng. Bánh được cột bằng dây chuối phơi khô.
Tại một số địa phương, bánh bá trạng được gói thành hình tam giác, gần giống với bánh giò. Sau khi gói xong, bánh bá trạng được xếp vào các nồi lớn nấu trong 8 tiếng bằng than, củi.
Mỗi chùm có 5 bánh, được cột lại bằng dây chuối phơi khô, nước bên trong nồi lúc nào cũng phải ngập bánh để đảm bảo bánh chín đều.
Trong dịp này, dạo quanh các tuyến đường ở khu vực Chợ Lớn đều dễ dàng bắt gặp bánh bá trạng được bày bán. Tùy vào kích cỡ, bánh bá trạng có giá khoảng 60.000 đến 70.000 đồng/chiếc.
Một số hình ảnh do PV ghi nhận:
Nguồn: https://congluan.vn/tet-doan-ngo-tap-trung-con-chau-thue-hang-xom-lam-banh-ba-trang-van-khong-kip-ban-post138772.html