Vì tiền, đơn vị này liều đã lĩnh tổ chức “mổ chui”, rồi công bố như thành tích sau nhiều nghiên cứu, đánh giá, để “dụ” bệnh nhân.

Công khai “thành tích mổ chui”

Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (Hải Dương), hay Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (Hải Dương) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 23/5/2008. Theo một số cổ đông và hồ sơ, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, ngày 25/9/2018, bệnh viện được Bộ Y tế phê duyệt thực hiện kỹ thuật mổ thay khớp háng hoặc mổ thay xương cổ đùi. “Đây là phẫu thuật lớn, đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa kíp phẫu thuật, chăm sóc sau mổ và phải được thực hiện ở cơ sở y tế đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định”, một cổ đông cho biết.

Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (Hải Dương)

Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (Hải Dương).

Thế nhưng trên thực tế, từ tháng 1/2018 đến tháng 8/2018, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã liều lĩnh mổ thay khớp háng “chui” cho ít nhất 22 bệnh nhân là người cao tuổi. “Thành tích” này được ông Hồ Trọng Khiêm, bà Nguyễn Thị Lan và ông Vũ Văn Khoa, Phó trưởng khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) nghiên cứu, đánh giá và công khai trên trang web của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (https://benhvienhoabinh.vn) vào ngày 11/10/2018.

Họ “khoe” trên web thế này: “Qua điều trị thay khớp háng cho 22 bệnh nhân cao tuổi (trung bình 78,86 tuổi) với nhiều bệnh nhân có bệnh mạn tính kèm theo (64,64%), theo dõi tối thiểu sau 3 tháng, bước đầu chúng tôi thu được kết quả chung đánh giá sau mổ theo Harris, như sau: Kết quả rất tốt và tốt 63,6%, khá 22,8%, trung bình 13,6 %. XQ sau mổ đánh giá theo Betty J.Manaster có 100% tốt”. Rồi họ "sướng" rằng: “Phẫu thuật thay khớp háng có kết quả ban đầu khá tốt, cải thiện rõ rệt chức năng khớp háng, giảm bớt đau đớn và được đa số các bệnh nhân cao tuổi gãy vùng mấu chuyển và cổ xương đùi cảm thấy hài lòng”.

Đây là những việc làm không thể chấp nhận, vi phạm y đức, vi phạm pháp luật, quy định tại khoản 2, Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh: “Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động”.

Trù dập người tố tiêu cực

Ngày 12/03/2019, Sở Y tế tỉnh Hải Dương ra Quyết định số 160/QĐ-SYT về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập đoàn xác minh tố cáo các nội dung: Hành vi khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Cụ thể: Việc phẫu thuật điều trị gãy cổ xương đùi tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình trong thời gian từ ngày 01/01/2018 đến ngày 25/9/2018 khi Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình chưa được phê duyệt thực hiện kỹ thuật này.

Các ngày 8 và 22/4, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Anh Tùng, Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Hải Dương, cho biết do vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, nên Sở Y tế đã quyết định gia hạn thời gian xác minh thêm 30 ngày.

 
Cuối tháng 9/2018, Bộ Y tế mới phê duyệt kỹ thuật mổ thay khớp háng cho bệnh nhân, nhưng từ tháng 1/2018 đến tháng 8/2018 bệnh viện đã

Từ tháng 1/2018 đến tháng 8/2018 Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (Hải Dương) đã "mổ chui" cho ít nhất 22 bệnh nhân.

Trong một diễn biến khác, ngày 22/3/2019, bác sĩ Phạm Hải Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình - người cùng một số cổ đông đứng ra tố cáo tiêu cực bất ngờ nhận được Thông báo số 36/TB-BVĐKHB, về việc miễn nhiệm chức danh Phó Giám đốc, chấm dứt hợp đồng lao động đối với mình. Thông báo do bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT Công ty ký.

Lý do được bà Trang đưa ra là: “Sau khi rà soát hồ sơ nhận thấy: Hồ sơ về chứng chỉ, trình độ, năng lực chuyên môn ông Phạm Hải Dương vượt quá phạm vi công việc được giao, không đủ điều kiện khám chữa bệnh tại bệnh viện với chức danh bác sĩ nội khoa.

Khi chưa có quyết định của Chủ tịch HĐQT hay Ban giám đốc Bệnh viện, nhưng ông Phạm Hải Dương đã có những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mượn và khai thác thông tin hồ sơ bệnh án của bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện. Việc làm này vi phạm khoản 4, Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Trong quá trình làm việc tại bệnh viện, ông Phạm Hải Dương đã phát ngôn tùy tiện, không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, không có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành Quyết định của Chủ tịch HĐQT Công ty”.

“Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009; Luật Lao động năm 2012; Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thông báo chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 10/5/2019; miễn nhiệm chức danh Phó giám đốc từ ngày 23/3/2019 và tạm dừng công việc khám chữa bệnh đối với ông Phạm Hải Dương tại bệnh viện”, thông báo nêu. 

Đây được cho là một quyết định “ngồi xổm” lên HĐQT, có biểu hiện trù dập người tố cáo. Bởi theo bác sĩ Phạm Hải Dương, Điều lệ hiện hành của Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Phó Giám đốc thuộc thẩm quyền của HĐQT, không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch HĐQT. “Tôi là cổ đông có 16.000 cổ phần, tương đương 5,77%. Thông báo miễn nhiệm chức danh Phó Giám đốc với tôi không dựa trên cơ sở là Biên bản họp hoặc Nghị quyết của HĐQT”, bác sĩ Phạm Hải Dương khẳng định.

Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Vinh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cho rằng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bác sĩ Dương còn không đúng với quy định tại khoản 1, Điều 38 Bộ Luật Lao động năm 2012. 

“Năm 2009, bác sĩ Phạm Hải Dương tốt nghiệp Học viện Trung Y (Quảng Tây, Trung Quốc), văn bằng đã được Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục & Đào tạo) công nhận ngày 17/12/2009. Ngày 12/10/2015, bác sĩ Phạm Hải Dương được Sở Y tế tỉnh Hải Dương cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nội khoa, siêu âm. Thế nên, lý do bác sĩ Phạm Hải Dương không đủ năng lực, chuyên môn là không có cơ sở”, luật sư Nguyễn Thành Vinh phân tích.

Những gì đã và đang diễn ra ở Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình cho thấy đây là điểm nóng sai phạm của ngành y tế Việt Nam.

Theo Bảo Long/Đô Thị Mới