Trong những năm vừa qua, tình trạng đất nông nghiệp, đất rừng hay đất công ích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị lấn chiếm, xây dựng nhà ở kiên cố, chuyển đổi mục đích đất trái quy định diễn ra tràn lan, gây bức xúc trong nhân dân.
Đáng nói hơn, thay vì kiên quyết xử lý, ngăn chặn thì lãnh đạo địa phương có dấu hiệu bao che, hay cố tình hợp thức hóa cho vi phạm làm trái quy định pháp luật. Trường hợp gia đình ông Trần Văn Lự thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá tự ý chuyển đổi hàng chục nghìn m2 đất rừng sang đất nuôi trồng thủy sản là một ví dụ điển hình.
Theo hồ sơ mà PV có được cho thấy, gia đình ông Trần Văn Lự (thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá) được UBND huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0346852 với tổng diện tích là 8,5ha đất với mục đích trồng rừng. Tuy nhiên, thay vì sử dụng đất đúng mục đích thì gia đình ông Lự đã tự ý chuyển sang nuôi tôm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến người dân sinh sống gần đó. Sự việc diễn ra gần 10 năm trong khi chính quyền địa phương đã biết rõ sai phạm nhưng lại không hề xử lý dứt điểm.
Như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0346852 cho thấy: Thửa số 1, tờ bản đồ số 1, diện tích 5ha, mục đích sử dụng trồng rừng; Thửa số 1, tờ bản đồ số 3, diện tích 1,5ha, mục đích sử dụng trồng rừng; Thửa số 2, tờ bản đồ số 5, diện tích 2ha, mục đích sử dụng trồng rừng. Toàn bộ diện tích 8,5ha trên có thời hạn sử dụng đến tháng 9/2045.
Mặc dù thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0346852 cấp cho ông Trần Văn Lự ghi rõ mục địch sử dụng đất là trồng rừng (toàn bộ diện tích 8,5ha) nhưng nhiều năm nay, ông Trần Văn Lự cùng những người trong gia đình đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ngang nhiên đào và xây nhiều bể để nuôi tôm công nghiệp trái phép.
Theo quan sát, rất nhiều bể nuôi tôm với quy mô lớn đã được gia đình ông Lự thiết kế san sát nhau. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tiến hành xây dựng các công trình kiên cố trái phép khác.
Ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường thừa nhận các vi phạm trên. Ông Cảnh cho biết, từ những năm 2012, 2013, gia đình ông Lự đã bắt đầu be bờ, đào đầm để nuôi tôm.
“Tư pháp có nhiều lần tiến hành lập biên bản để có căn cứ xử lý vi phạm nhưng ông Lự không ký vào biên bản, tôi cũng không nhớ đã xử phạt về hành vi tự ý chuyển đổi từ sang nuôi tôm lần nào chưa, chỉ nhớ có 1 lần ông Lự bị xử phạt hành chính về hành vi xây dựng”, ông Cảnh nói.
Cán bộ địa chính xã Hoằng Trường cho biết thêm, vào năm 2021, huyện Hoằng Hóa đã thu hồi một phần diện tích đã cấp cho ông Lự vào mục đích quốc phòng. Theo tính toán, hiện trạng đang nuôi tôm trái phép trên đất trồng rừng của gia đình ông Lự còn lại khoảng 3,5ha.
Trước câu hỏi tại sao các sai phạm đã bị phát hiện từ những năm 2012, 2013 nhưng chính quyền xã, huyện lại không có biện pháp xử lý dứt điểm, ông Cảnh cho biết vấn đề này huyện nắm cũng rất rõ, nó cũng do yếu tố “lịch sử để lại”.
Đề nghị chính quyền UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan có liên quan xử lý dứt điểm sai phạm của gia đình ông Trần Văn Lự; đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm, có hình thức kỷ luật nghiêm đối với cá nhân, tập thể có liên quan.