Phải thừa nhận rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là nhờ vào vai trò của các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Cư dân các thành phố này có cơ hội được hưởng các tiện nghi và tiện ích với chi phí thấp và có chất lượng sống cao hơn hẳn so với các tỉnh và thành phố khác ở Việt Nam. Nhưng chính những động lực phát triển này đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng thậm chí mất kiểm soát, dẫn đến sự “bành trướng” của thành phố, cụ thể là tại các đô thị, siêu đô thị.
Môi trường đô thị chịu nhiều sức ép
Theo dự báo, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 40%, tương đương với số dân cư sinh sống tại đô thị chiếm trên 45 triệu dân. Việt Nam cần có khoảng đất đô thị lớn, nhưng hiện nay diện tích đất đô thị ở Việt Nam còn rất thấp.
Với tốc độ phát triển và dân số đô thị như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ sự bùng nổ của các thành phố và quá trình đô thị hoá. Đơn cử, phát triển công nghiệp theo kiểu cũ thải carbon cao gây ô nhiễm môi trường, các đô thị được xây dựng ồ ạt gây khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, ách tắc giao thông, ô nhiễm nguồn nước do nhiều nguyên nhân, thiếu nhiều mảng xanh, thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các bên trong quá trình quản lý và kiểm soát phát triển đã làm cho cảnh quan đô thị trở nên xấu xí, hỗn tạp, đe dọa đến yếu tố phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị, làm cho mật độ dân số ở thành thị tăng cao. Việt Nam đang đứng trước những thách thức về việc đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân, tính cạnh tranh về mặt kinh tế của các trung tâm đô thị cũng như nguồn tài nguyên bị sử dụng cạn kiệt.
Trên thực tế, tại đô thị còn xảy ra thực trạng nhiều diện tích mặt nước, cây xanh bị san lấp, chuyển đổi; nhiều dự án quy hoạch diện tích dành cho công trình công cộng bị sử dụng sai mục đích hay chậm tiến độ. Môi trường đất tại các khu đô thị có nguy cơ bị ô nhiễm do chịu tác động từ nước thải sinh hoạt, các chất thải của hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao. Riêng khí O3, NO2 đã có dấu hiệu ô nhiễm trong những năm gần đây. Ghi nhận cục bộ tại một số thời điểm, ô nhiễm NO2 xuất hiện tại khu vực giao thông trong tại các đô thị lớn có xu hướng tăng.
Có không ít những bài học đắt giá trong nhiều năm qua do sự tác động của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa mất kiểm soát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, cũng như đẩy nhanh tốc độ của biến đổi khí hậu.
Có thể thấy, sự phát triển ồ ạt nhưng lại không đồng bộ, chỉ quan tâm đến những lợi ích trước mắt nhằm phát triển kinh tế mà chưa trú trọng tính bền vững, lâu dài của đô thị hay bỏ qua sự phản ứng của môi trường khí hậu đã gây ra nhiều hệ lụy mà đô thị phải gánh chịu.
Phát triển thành phố carbon thấp - giải pháp cứu cánh cho đô thị
Phải thừa nhận rằng quá trình đô thị hóa là tác nhân lớn ảnh hưởng tới chất lượng môi trường sống của đô thị. Đứng trước những vấn nạn toàn cầu, trước những thực trạng còn tồn đọng của các nước đang phát triển như Việt Nam thì phát triển đô thị carbon thấp nhằm giải quyết vẫn nạn ô nhiễm là tương lai của các đô thị, là theo xu thế thời đại.
Do đó nhìn từ góc độ phát triển kinh tế bền vững, thành phố carbon thấp được cho rằng sẽ dần dần giảm thiểu phát thải của khí CO2, giảm hiệu ứng nhà kính. Từ góc độ mô hình phát triển đô thị và cách thức phát triển xã hội có thể nói, thành phố carbon thấp là thông qua khái niệm tiêu dùng và cách thức sinh hoạt của người dân, chất lượng đảm bảo cuộc sống không ngừng được nâng cao giúp cho giảm thiểu phát thải xây dựng mô hình và cách thức phát triển xã hội.
Trước sức ép ngày càng lớn từ môi trường đè nặng lên các đô thị, thì phát triển đô thị carbon thấp sẽ mang đến động lực và thời cơ chuyển đổi phần lớn từ không gian, phương thức đời sống v.v.. ở các mặt đô thị, hướng tới môi trường sinh thái chất lượng, mang đến phúc lợi vì con người đô thị thậm chí toàn nhân loại.
Mặt khác, phát triển đô thị công nghiệp carbon thấp tất yếu phải dựa vào tài nguyên sẵn có và những ưu thế công nghiệp của địa phương, bên cạnh phát triển ngành du lịch carbon thấp, công nghiệp kỹ thuật cao v.v.. hay những lĩnh vực ngành công nghiệp carbon thấp. Ví dụ tại Đà Nẵng, thành phố phát triển du lịch, đã dựa vào tài nguyên du lịch rất phong phú sẵn có và nhân lực con người và kết hợp khoa học phát triển hợp lý, trên cơ sở trọng tâm phát triển du lịch và kết hợp phục vụ thì nên điều chỉnh phát triển theo lối bền vững và sau đó hướng tới chuyển sang carbon thấp.
Trước thực tế Việt Nam và xu thế của thế giới, các chuyên gia đã nhận định, để tiến tới phát triển thành phố carbon thấp thì tất yếu phải điều chỉnh biện pháp quản lý đô thị phù hợp, nâng cao sức thu hút của các đô thị, tăng cường thực lực về kinh tế, biểu hiện bản sắc đô thị.
Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/thanh-pho-carbon-thap-thanh-pho-tuong-lai-36960.html