Thất nghiệp là gì?

Thất nghiệp, trong kinh tế học, là tình trạng người lao động muốn có việc làm mà không tìm được việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp là phần trăm số người lao động không có việc làm trên tổng số lực lượng lao động xã hội.

Lịch sử của tình trạng thất nghiệp chính là lịch sử của công cuộc công nghiệp hóa. Ở nông thôn, mặc dù có tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp một phần, làm việc ít thời gian ở nông thôn, nhưng thất nghiệp không bị coi là vấn đề nghiêm trọng.

Có nhiều loại hình thất nghiệp

Có nhiều loại hình thất nghiệp, đó là: 

Thất nghiệp cổ điển: Là dạng thất nghiệp liên quan tới loại việc làm mà tiền công thực tế trả cho người làm công việc đó cao hơn mức tiền công thực tế bình quân của thị trường lao động chung, khiến cho lượng cung về lao động đối với công việc này cao hơn lượng cầu.

Dạng thất nghiệp này còn được gọi là thất nghiệp tiền công thực tế.

Thất nghiệp cơ cấu: Là loại thất nghiệp tạm thời do người lao động đang chờ để tìm được việc làm mà họ kỳ vọng chứ không phải không thể tìm được việc làm nào.

Thất nghiệp chu kỳ: Là loại thất nghiệp liên quan đến chu kỳ kinh tế tại pha mà tổng cầu thấp hơn tổng cung dẫn tới doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất và phải giảm thuê mướn lao động.

Dạng thất nghiệp này còn được gọi là thất nghiệp Keynes vì Keynes là người đề xướng thuyết về tổng cầu-tổng cung.

Thất nghiệp ma sát: Là dạng thất nghiệp do người lao động và người thuê mướn lao động không tìm được nhau vì những lý do như khác biệt về địa lý, thiếu thông tin, v.v...

Thất nghiệp trá hình: Là dạng thất nghiệp của những người lao động không được sử dụng đúng hoặc không được sử dụng hết kỹ năng.

Thuộc loại này bao gồm cả những người làm nghề nông trong thời điểm nông nhàn (đôi khi những người này được tách riêng thành những người thất nghiệp theo thời vụ).

Thất nghiệp ẩn: Là dạng thất nghiệp không được báo cáo.

Ai được hưởng bảo hiểm thất nghiệp?

Bảo hiểm thất nghiệp

Quy định về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2016 mới đây nhất bao gồm các nội dung: Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Theo đó:

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp:

- Hàng tháng, doanh nghiệp (DN) đóng cho người lao động (NLĐ) và trích từ tiền lương tháng của NLĐ để đóng vào Quỹ BHTN với tỷ lệ đóng là 2 %.

Trong đó:

  • Doanh nghiệp đóng 1%
  • Người lao động đóng 1% tiền lương tháng

Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng BHTN là mức lương tối thiểu vùng và mức tối đa là 20 lần mức lương tối thiểu vùng.

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trong tất cả các cơ quan, đơn vị (không phân biệt số lượng lao động đơn vị đang sử dụng).

- Nếu NLĐ có ký hợp đông lao động với nhiều công ty thì Công ty đầu tiên phải có trách nhiệm tham gia BHTN cho NLĐ.

- Những hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên ký trước tháng 01/2015 mà có giá trị trong năm 2015 (hoặc người lao động tiếp tục làm việc từ tháng 01 năm 2015), chưa được tham gia BHTN, thì DN phải làm thủ tục tham gia BHTN từ tháng 01/2015.

Chú ý: Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hợp đồng lao động có hiệu lực, DN phải làm thủ tục tham gia BHTN cho NLĐ tại tổ chức BHXH.

Điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp:

a. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật
  • Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng

b. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (đối với các trường hợp: Hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn)

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (đối với các trường hợp: Ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng)

c. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.

d. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:

  • Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an
  • Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên
  • Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
  • Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù
  • Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng
  • Chết

Lưu ý: Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.

Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

- Nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định

- Hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do DN quyết định.

- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

- Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo Vân Hà (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam