Chiều ngày 25/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu tất cả quán cà phê, nhà hàng, phòng gym, các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu, trừ các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, thuốc chữa bệnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm, còn lại đều phải đóng cửa đến hết ngày 5/4, công văn có hiệu lực chính thức ngay sau khi được ban hành.
Theo ghi nhận của PV, hôm nay (26/3), nhiều cửa hàng, dịch vụ trên các tuyến phố lớn tại Hà Nội đã thực hiện đóng cửa theo yêu cầu từ Chủ tịch Nguyễn Đức Chung vào chiều qua.
Bên cạnh nhiều cơ sở chấp hành đúng theo quy định của UBND TP Hà Nội... (Ảnh: Hoàng Anh)
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở kinh doanh thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, vẫn còn tồn tại một số quán, cửa hàng bất chấp lệnh cấm, vẫn hoạt động, mở cửa đón khách. Theo phản ánh PV nhận được, tại địa bàn phường Định Công, các cửa hàng thuộc chuỗi cà phê lớn là The Coffee House và Highland Coffee và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ vẫn hoạt động bình thường tính đến thời điểm chiều ngày 26/3/2020 ( 1 ngày sau khi Chủ tị ch UBND TP Hà Nội đưa ra chỉ đạo yêu cầu đóng cửa).
Chiều 26/3, quán The Coffee House vẫn "vô tư" hoạt động bình thường, bất chấp lệnh cấm
The Coffee House là thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Trà Cà phê VN với chuỗi hệ thống hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, khi tình hình bệnh dịch đang diễn ra phức tạp tại Việt Nam, một trong số các cửa hàng thuộc thương hiệu này vẫn hoạt động bất chấp quy định của UBND TP.
Highland coffee vẫn hoạt động, tuy nhiên chỉ phục vụ khách hàng mang đi.
Mặc dù Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc tập trung đông người cũng như ban hành chỉ đạo yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết đóng cửa nhưng việc các cửa hàng, đặc biệt là các quán cà phê với lượng khách ra vào đông vẫn bất chấp quy định cấm, mở cửa đón khách sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cực kỳ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng chống dịch của cả nước.
Liên hệ với Ông Nguyễn Thăng Long - Chủ tịch UBND phường Định Công để xác minh thông tin, Lãnh đạo phường cho biết, phía phường đã nắm được sự việc trên và đã có phương án xử lý yêu cầu tất cả các quán cà phê nói riêng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết khác nói chung trên địa bàn tạm thời đóng cửa, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP Hà Nội cũng như song song tuyên truyền cho nhân dân về vai trò quan trọng của mỗi cá nhân trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trước hiện trạng trên, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết Nối nêu quan điểm về việc xử lý vi phạm này.
Theo đó, luật sư nhận định: Quyết định về việc tạm đình chỉ các cơ sở trên của UBND Thành phố Hà Nội là hoàn toàn đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007:
1. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:
c) Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.
Thẩm quyền ban hành quyết định theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 17 Nghị định 101/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm:
3. Thẩm quyền quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng:
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong trường hợp dịch xảy ra trên địa bàn từ hai huyện trở lên theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh.
Luật sư Hùng nhấn mạnh, việc các các cơ sở trên không chấp hành Quyết định của UBND TP Hà Nội là hành vi: Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, vi phạm vào một trong hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Hành vi trên có thể bị xử lý theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thì Nghị định này không quy định về việc các cơ sở đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào. Đây có thể là kẽ hở mà các cơ sở trên cố tình vi phạm, cố tình hoạt động dù đã bị xử phạt hành chính.
Mặc dù, Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định về việc xử lý đối với cơ sở cố tình hoạt động dù đã bị xử phạt hành chính.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết Nối cho hay: "Trong trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ nằm trong lệnh cấm, vẫn bán hàng online, hay để khách đến mua mang về cũng là vi phạm cần xử lý".
Vậy trường hợp các cơ sở này cố tình vi phạm, vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh và làm lây lan dịch bệnh thì liệu rằng đây có phải là hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015?
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: "Căn cứ tại Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người".
Tính đến 18h chiều nay, Việt Nam ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam lên 153.