Sôi động mời gọi nhà đầu tư thực hiện dự án

Một trong những điểm nhấn nổi bật của thị trường bất động sản 4 tháng đầu năm 2025 là công tác mời gọi đầu tư diễn ra sôi động, rộng khắp. Không còn thụ động chờ đợi dòng vốn "chảy về", nhiều tỉnh, thành đã chủ động kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông qua việc tạo lập quỹ đất sạch, quy hoạch các dự án chuẩn chỉnh để thu hút nhà đầu tư.

Đơn cử tại Hà Nội, nhằm tạo động lực mới cho kinh tế địa phương, thành phố đã quy hoạch nhiều cụm công nghiệp và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp để triển khai xây dựng. Nổi bật như Cụm công nghiệp Tam Hiệp 2 (huyện Phúc Thọ) - một trong những dự án trọng điểm giai đoạn tới.

Với quy mô 47ha, Cụm công nghiệp Tam Hiệp 2 được định hướng phát triển theo mô hình đa chức năng, kết hợp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống, đồng thời hướng tới xây dựng môi trường sản xuất tập trung, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường và an toàn lao động. Theo nhiều đánh giá, dự án sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ có thể đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Bên cạnh cụm công nghiệp, Hà Nội hiện cũng đang tìm chủ đầu tư cho loạt dự án nhà ở xã hội. Đơn cử như Khu nhà ở xã hội Tây Nam Kim Giang tại các ô đất CT6B, CT7 và CT8 thuộc Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang I, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) và phường Đại Kim (quận Hoàng Mai).

Ngoài dự án trên, UBND TP. Hà Nội đang tìm chủ đầu tư cho 2 khu nhà ở xã hội tổng vốn 16.148 tỷ đồng, quy mô 6.447 căn hộ tại Tiên Dương, Đông Anh.

Mục tiêu của các dự án này là nhằm từng bước hoàn thiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và Kế hoạch phát triển nhà ở, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Không nằm ngoài làn sóng kêu gọi đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên mới đây cũng phát đi thông báo tìm nhà đầu tư cho dự án Khu đô thị phía Bắc Quốc lộ 5 thuộc Khu đô thị Phố Nối. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 34.978 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ tổng chi phí thực hiện khoảng 33.800 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 1.177 tỷ đồng.

Với quy mô sử dụng đất gần 262,14ha, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 45.000 người. Sản phẩm dịch vụ cung cấp chủ yếu gồm nhà ở thương mại dạng liền kề 3.811 căn, nhà ở thương mại dạng biệt thự 398 căn, căn hộ chung cư 11.807 căn, nhà ở xã hội 8.666 căn.

Tương tự, UBND tỉnh Hải Dương cũng mới phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án Khu đô thị mới và sân golf Liên Hồng tại TP. Hải Dương, với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Dự án có quy mô hơn 126ha - là dự án lớn nhất tỉnh này chấp thuận từ đầu năm 2025 đến nay.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được tổ chức đấu thầu quốc tế trong quý II/2025 để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm. Ngoài việc tăng nguồn cung nhà ở đô thị chất lượng cao, dự án còn hướng tới không gian sống xanh, nghỉ dưỡng kết hợp thể thao - phù hợp với định hướng phát triển Hải Dương thành đô thị loại I trước năm 2030.

Trong quý I/2025, Bắc Ninh - một trong những tỉnh công nghiệp phát triển năng động nhất miền Bắc - đã chính thức phát đi thông báo lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Khu đô thị mới tại phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn. Dự án có quy mô gần 54ha, tổng mức đầu tư hơn 16.800 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ tạo nên một điểm nhấn đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, phục vụ khoảng 13.764 cư dân. Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu, trong đó một năm đầu dành cho giai đoạn chuẩn bị và hơn 5 năm còn lại là thời gian triển khai thực hiện.

Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình hiện cũng đang mời thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Khu đô thị sinh thái số 2, tọa lạc tại xã Hợp Thành, TP. Hòa Bình. Khu đô thị có diện tích gần 129,8ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng, dự kiến khởi động quá trình lựa chọn nhà đầu tư trong quý II năm nay.

Có thể thấy, làn sóng mời gọi đầu tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2025. Từ đô thị lõi như Hà Nội, đến các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hòa Bình - tất cả đều đang cho thấy sự chủ động, linh hoạt của các địa phương trong thu hút dòng vốn chất lượng và kích hoạt các dự án có tính lan tỏa cao. Đây được xem là những tín hiệu tích cực, hứa hẹn sẽ cải thiện nguồn cung giúp thị trường bất động sản hồi phục thực chất và bền vững hơn trong năm 2025.

"Xoay trục" về các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực

Bên cạnh sự năng động, việc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư của các địa phương thời gian gần đây cũng cho thấy sự chuyển mình đáng chú ý trong tư duy phát triển bất động sản. Từ chỗ ưu tiên những dự án mang tính "phô trương" như bất động sản nghỉ dưỡng hay căn hộ cao cấp, giờ đây nhiều tỉnh, thành đã bắt đầu "xoay trục", tập trung kêu gọi đầu tư vào những phân khúc gắn chặt với nhu cầu thực và động lực phát triển bền vững. Trong đó, bất động sản khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ở xã hội dành cho nhu cầu thực đang trở thành những trọng điểm chính.

Sự thay đổi này không chỉ phản ánh việc địa phương đang bám sát hơn với thực tế thị trường - nơi mà nhà đầu tư trở nên thận trọng, người mua hướng đến giá trị sử dụng - mà còn cho thấy nhận thức đang được điều chỉnh theo hướng dài hạn hơn.

Khi các địa phương định hướng phát triển các khu công nghiệp đi kèm với hạ tầng nhà ở, dịch vụ và tiện ích, đó không chỉ là bài toán thu hút FDI, mà còn là giải pháp để hình thành những cực tăng trưởng mới, đồng bộ và có khả năng duy trì sức hút lâu dài. Cùng lúc, ưu tiên các dự án khu đô thị, nhà ở xã hội phục vụ người dân địa phương hay lực lượng lao động di cư cũng là cách để giải quyết nhu cầu ở thực vốn bị bỏ ngỏ nhiều năm qua. Đây rõ ràng là một tín hiệu tích cực không chỉ giúp thị trường bất động sản khơi thông dòng vốn đầu tư, mà còn dần dịch chuyển về quỹ đạo cân bằng, lành mạnh và bền vững.

Tuy nhiên để hoạt động thu hút nhà đầu tư vào các dự án khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ở xã hội hiệu quả, các địa phương cần đảm bảo tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, phân quyền thực chất và đồng hành cùng nhà đầu tư từ khâu chuẩn bị đến triển khai.

Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, địa phương phải cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp triển khai dự án, có như vậy mới thu hút được dòng vốn đầu tư tìm về.

Cùng với đó, địa phương mở hồ sơ đăng ký đấu thầu dự án cũng cần công bố thông tin rõ ràng, rộng rãi, để nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời tiếp cận, từ đó có sự chọn lọc phù hợp.

Bên cạnh tích cực mời gọi đầu tư, cũng cần đảm bảo công tác lựa chọn nhà đầu tư công bằng, minh bạch để dự án được phát triển đúng kế hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế tối đa cho địa phương.
TS. Huỳnh Thanh Điền

Ông Điền cho biết, thời gian qua không ít trường hợp cố tình làm hồ sơ mời thầu cho chỉ một, hoặc một nhóm doanh nghiệp có điều kiện đặc thù mà địa phương biết trước, dẫn đến chỉ có một hoặc một nhóm doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện mời thầu để tham gia. Hoặc cũng có thể là thông thầu, tạo "quân xanh, quân đỏ", mua hồ sơ nhiều nhưng bỏ không đăng ký, không tham gia tiếp để doanh nghiệp thân quen một mình tham gia.

"Đây chính là hiện tượng doanh nghiệp "một mình một ngựa" dự thầu, trúng thầu. Điều này làm cho các dự án có nguy cơ bị thao túng bởi các nhóm lợi ích, gây thất thoát tài sản, lãng phí nguồn lực của đất nước. Hơn hết, chính những hiện tượng này sẽ khiến uy tín của cơ quan nhà nước bị giảm sút trong lòng nhân dân", ông Điền nhấn mạnh.

Vì vậy, chuyên gia cho rằng các địa phương bên cạnh tích cực mời gọi đầu tư cũng cần đảm bảo công tác lựa chọn nhà đầu tư công bằng, minh bạch để dự án được phát triển đúng kế hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế tối đa cho địa phương. Nếu những yếu tố này được đảm bảo, cùng với sự tháo gỡ đồng bộ từ thể chế, thị trường bất động sản hoàn toàn có cơ sở để bước vào một chu kỳ phục hồi thực chất và bền vững hơn trong thời gian tới - ông Điền nói./.

Theo reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/thi-truong-am-dan-loat-dia-phuong-chu-dong-trai-chieu-hoa-moi-goi-dau-tu-202250506105956278.htm