Tiềm lực phát triển ngành bán lẻ bất chấp khó khăn

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành bán lẻ. Đầu tiên, tỷ lệ dân số thành thị chiếm tỉ lệ cao nhất cả nước, 37,7%. Dân số thành thị cao đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng lớn, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu. Do vậy bất chấp hoàn cảnh và điều kiện tác động, ngành bán lẻ vẫn có cơ hội phát triển.

Khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 quét qua tất cả các lĩnh vực ngành nghề năm vừa qua nhưng dường như với ngành bán lẻ không hề chịu tác động mà còn vượt bão. Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.553,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu của các ông lớn trong 9 tháng đầu năm đã chứng minh cho việc "sóng ngả nhưng không ngã tay chèo". 

Doanh thu từ chuỗi Bách Hoá Xanh lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 15.131 tỉ đồng, đưa doanh thu 9 tháng lên 15.131 tỉ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn Tập đoàn Masan báo cáo, tổng cộng doanh thu thuần sau 9 tháng năm 2020 đạt 55.618 tỉ đồng, tăng 110,8% so với cùng kỳ năm trước.

Còn Tổng CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) cũng báo cáo đạt doanh thu quý 3/2020 là 8.052 tỉ đồng, tăng gần 13% so với quý 2/2020 và tăng nhẹ 1% so với quý 3/2019. Lợi nhuận quý 3 tăng trưởng dù chỉ ở mức thấp nhưng đủ cho thấy Sabeco đã dần hồi phục, bất chấp những tác động từ Nghị định 100 xử phạt người lái xe có nồng độ cồn và dịch Covid-19...

Ngành bán lẻ có nhiều tiềm năng phát triển.

Mức tăng trên là minh chứng cho việc các nhà bán lẻ đã kịp thời linh động chuyển hướng phương thức kinh doanh theo hành vi mua sắm của người tiêu dùng: Tập trung vào tiêu dùng an toàn và tăng cường mua sắm qua nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Các siêu thị vắng bóng người đi mua sắm, nhưng nhu cầu đối với hoạt động mua sắm online, giao hàng, chuyển phát lại gia tăng.

Nắm bắt được xu thế đã trở thành thế mạnh này, nhiều nhà bán lẻ đã áp dụng chính sách bán hàng đa kênh phục vụ khách hàng mua sắm online. Người tiêu dùng có thể chọn lựa sản phẩm thoải mái trên các kênh TMĐT và đặt hàng chỉ trong vài giây. Phong cách mua bán online tiết kiệm thời gian, thậm chí là cả tiền bạc khi người tiêu dùng còn được hưởng nhiều khuyến mãi hấp dẫn. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn thì hình thức mua bán online lại càng mang lại sự an toàn y tế tuyệt đối.

Đơn cử, hệ thống siêu thị VinMart đã ra mắt đội quân đi chợ hộ với cách mua hàng linh hoạt tại 3 kênh: Qua điện thoại, qua app và qua website. Công ty Grab cũng nhanh chóng ra mắt dịch vụ Grabmart, đi siêu thị giúp người tiêu dùng.

Hoặc, FPT Retail đề ra chiến lược bán hàng đa kênh trên nền tảng điện tử, bao gồm: Hợp tác với các thương hiệu điện thoại mạnh về phân phối qua kênh điện tử; hợp tác với các nhà bán lẻ khác để cung cấp danh mục sản phẩm mới; mua sắm xuyên biên giới.

Tuy nhiên, hình thức mua bán online cũng mang lại một số những rủi ro nhất định. Nhỏ thì người tiêu dùng nhận được món hàng không hề ưng ý "treo đầu dê bán thịt chó" khi mua qua mạng. Nặng hơn là tiền mất tật mang nếu thanh toán tiền mà hàng mất hút. Hơn nữa, người tiêu dùng không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng. Vì thế, để bắt kịp với hình thức mua bán hiện đại này thì người tiêu dùng cũng phải tỉnh táo và cẩn trọng.

So sánh với năm 2019, số lượng siêu thị trong năm 2020 đã giảm 20% – từ 336 xuống 330. Mức giảm này chủ yếu đến từ việc Vinmart đã đóng cửa một số siêu thị. Thống kê trên cả nước, CoopMart là thương hiệu sở hữu nhiều cửa hàng siêu thị nhất với 128 cửa hàng, tiếp theo là Vinmart với 64 cửa hàng. 

Khảo sát hành vi mua sắm của người dùng. Nguồn:Vietnam Report.

Tuy số siêu thị giảm xuống nhưng cửa hàng tiện lợi lại tăng lên tới 60%, từ 2495 trong năm 2019 lên 5228 cửa hàng trong năm qua. 

Có thể thấy TP HCM vẫn là thành phố hấp dẫn hơn cả khi có rất nhiều thương hiệu lớn xuất hiện tại đây. Ngược lại với Hà Nội chỉ có duy nhất hai thương hiệu lớn là Vinmart và Circle K. Số lượng trung tâm thương mại có tăng nhưng không đáng kể, tăng trưởng 11% từ 96 (2019) lên 107 (2020) và Vincom vẫn là cái tên chiếm tới 70% trung tâm thương mại.

Mặt hàng mua sắm của người tiêu dùng cũng có thay đổi vì điều kiện dịch bệnh. Theo khảo sát của Vietnam Report, 58,8% người được hỏi cắt giảm mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như quần áo, giầy dép;70,6% cắt giảm thiết bị thể thao và hoạt động ngoài trời và 36,3% tăng mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe để phòng chống dịch, đặc biệt các sản phẩm có nguồn gốc organic. 

Ngành bán lẻ trong năm qua đã có tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên do điều kiện dịch bệnh tác động cho nên năm 2020 không có nhiều thương vụ M&A hoặc sự mở rộng của tập đoàn lớn nào tại Việt Nam như năm 2019.

Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh

Cũng vì dịch bệnh quét qua mà hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến vì nó đảm bảo được sự an toàn không tiếp xúc trong quy định giãn cách xã hội. Các hình thức thanh toán như scan, quét mã QR, internet banking năm qua đều phổ biến tại các chuỗi siêu thị lớn hoặc các cửa hàng hay trung tâm thương mại.

Hơn nữa, theo số liệu thống kê, độ tuổi của người Việt dùng Internet chủ yếu là từ 18-34 chiếm tới 60% (Tính đến hết năm 2019) và giới trẻ cũng là tầng lớp dùng thanh toán phi tiền mặt nhiều nhất. Yếu tố này tạo đà cho thanh toán không dùng tiền mặt phát triển. Từ đó các nhà bán lẻ có động thái cải thiện phương thức kinh doanh phù hợp.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang dần được quan tâm hơn

Tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã cho ra đời ứng dụng VinShop mà các chuyên gia đánh giá là khá táo bạo. Ứng dụng này nhắm tới việc cung cấp dịch vụ đặt hàng cho những cửa hàng tạp hóa gây bất ngờ lớn và khách hàng thanh toán tiền thông qua ví VinID Pay. Đặc biệt nhất là khi mua qua VinID, người tiêu dùng còn được tích điểm, tiêu điểm và nhận nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn chỉ có riêng tại VinShop. Tất cả những gì mà nhà bán lẻ, nhà cung cấp sản phẩm cần chỉ là 1 chiếc điện thoại thông minh có cài đặt app VinShop.

Hàng loạt các nhãn hàng lớn cũng tung chiến dịch mua sắm online và thanh toán phi tiền mặt, dù cho hình thức này chưa bao giờ thực hiện. Bước đi táo bạo đó cho thấy mua bán online và thanh toán điện tử sẽ là hình thức chủ đạo trong tương lai.

Theo thống kê, giao dịch thanh toán qua thẻ đạt 171,1 triệu giao dịch với giá trị đạt 399,4 nghìn tỷ đồng (tăng 20,9% về số lượng và tăng 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); Giao dịch thanh toán qua Internet đạt 200,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 12,9 triệu tỷ đồng (giảm 1,9% về số lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); Giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 472,2 triệu giao dịch với giá trị đạt 4,9 triệu tỷ đồng (tăng 178% về số lượng và 177,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Người dùng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán online, nạp tiền điện thoại, thanh toán tại quầy của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, nhà hàng, hàng quán vỉa hè; mua vé máy bay, vé tàu, thanh toán các trang thương mại điện tử; thanh toán điện, nước, chung cư, dịch vụ công, vay tiêu dùng, bảo hiểm; thanh toán viện phí tại các bệnh viện…

Một số ngân hàng đã khuyến khích khách hàng chuyển qua giao dịch online như ngân hàng. Các chuyên gia khuyến cáo người dân cũng nên dần chuyển sang các hình thức thanh toán số, tận dụng các tiện ích mà thương mại điện tử mang lại, thay vì giao tiếp trực tiếp và giao dịch tiền mặt với nhau trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

Với hình thức thanh toán online (trực tuyến), khách hàng chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể mua sắm, sử dụng dịch vụ cần thiết vào bất cứ thời gian nào. Một thuận tiện nữa là nhiều dịch vụ thanh toán thường xuyên với giá trị không quá lớn, như thanh toán tiền điện, nước, truyền hình cáp, internet… được thực hiện ngay trên điện thoại di động, mà không cần phải ra ngân hàng hay các điểm thu nộp tiền. Có thể thấy rõ, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng hiện đại, tiện lợi hơn. - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan.

Tuy năm vừa rồi ngành bán lẻ có tăng trưởng thấy rõ với những ưu điểm về thanh toán không tiếp xúc. Tuy nhiên, theo Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 thì mục tiêu đề ra vẫn chưa hoàn thành (thanh toán tiền mặt thấp hơn 10% và 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm chấp nhận thanh toán thẻ; 50 cá nhân hộ gia đình ở thành phố lớn thanh toán không dùng tiền mặt).

Đề án trên một phần chưa được hoàn thành mục tiêu do thói quen mua sắm của người Việt vẫn chưa thay đổi nhiều và cũng một phần là do các cửa hàng chưa trang bị các hình thức thanh toán hiện đại này. Do đó, ngoài sự nhập cuộc của các nhà bán lẻ vẫn cần sự chung tay của nhiều đơn vị để việc thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh.

Về mặt dài hạn, trong ít nhất 3 năm tới, đây vẫn luôn được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng phát triển với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao nhờ kinh tế phát triển ổn định, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, cùng xu hướng mua sắm, tiêu dùng mới. Đặc biệt khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, được đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận thị trường Việt Nam được thuận lợi hơn, dẫn đến cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này vốn đã gay gắt nay lại trở lên khốc liệt hơn. 

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới