Đại dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2020 đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, nguyên nhân dẫn đến mức doanh thu đạt thấp là do diễn biến bất ngờ của đại dịch Covid-19 đã có những thay đổi trong việc mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam cũng như những yêu cầu mới của thị trường.
Theo đó, nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi và gia vị nấu ăn như đồ đông lạnh, đồ hộp, mì gói các loại và dầu ăn; Các sản phẩm bổ sung dưỡng chất và giúp nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt dành cho nhóm người già và trẻ em có chiều hướng tăng. Người tiêu dùng cũng có xu hướng dự trữ các loại thực phẩm ăn liền tại nhà như: Mì và các sản phẩm ăn liền, xúc xích, đồ ăn nhẹ, nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp.
Mặt khác, dịch Covid-19 cũng đưa người tiêu dùng đến gần hơn những trải nghiệm mới. Mua sắm trực tuyến và tại siêu thị mini, cửa hành tiện ích đã ghi nhận lượng người mua gia tăng mạnh.
Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bất chấp sự bùng phát của dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam với 12,33 tỷ USD vốn đăng ký được ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2020, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Xét về giá trị, vốn ngoại đổ vào Việt Nam vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016 - 2018.
Ngành bán lẻ thích ứng để phát triển
Theo các chuyên gia, trong dự báo về sự phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam hậu Covid-19, bán lẻ sẽ là lĩnh vực đóng vai trò vô cùng quan trọng, mặc dù đây cũng là một trong những ngành nhạy cảm nhất và chịu tổn thất nặng nề nhất trong giai đoạn “đại phong tỏa” vì dịch bệnh.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, ngành bán lẻ không chỉ rất biết thích ứng với sự biến đổi của xã hội mà còn có tốc độ hồi phục nhanh hơn các ngành khác, nhờ những tiềm năng sẵn có cũng như những triển vọng được mở ra sau dịch bệnh.
“Đó là triển vọng về việc giữ được độ hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại, triển vọng về sự thích nghi với thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng và triển vọng về đáp ứng hàng hóa của nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu”, bà Hậu đánh giá.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại nhìn nhận, ngay cả dưới tác động của Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn giữ được “phong độ” là một trong 5 thị trường có tiềm tăng nhất của khu vực và thế giới. Lợi thế đó có được là do Việt Nam có một lực lượng người tiêu dùng trẻ với 2/3 dân số ở ngưỡng tuổi dưới 30 và có kết nối mạng. Thu nhập của người dân đang tăng lên với khoảng 1 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm.
Bên cạnh đó, lối sống của người Việt với thói quen sử dụng thực phẩm tươi, văn hóa chuộng giao lưu và sở thích mua sắm hàng hóa trực tiếp cũng tác động tích cực tới thị trường ngay sau khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Đây chính là những yếu tố mang tới sự phát triển ổn định cho thị trường bán lẻ Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong lý giải: “Sau giãn cách xã hội, từ hàng phở, quán cà phê cho đến các trung tâm thương mại lớn như Vincom, AEON Mall… đều chật kín người ăn uống, mua sắm, cho thấy tốc độ phục hồi và triển vọng của ngành bán lẻ là rất tốt”.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, với hàng loạt chính sách hỗ trợ cùng các gói kích cầu của Chính phủ như: Gói 180.000 tỷ đồng theo Nghị định 41 nhằm “tiếp sức” cho doanh nghiệp thông qua việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; Gói 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Giảm giá điện và mới đây nhất là hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp… thì thị trường bán lẻ cũng được tiếp thêm luồng sinh khí mới.
Cùng với hoạt động sản xuất, sự nhộn nhịp của kinh doanh bán lẻ được coi là tấm gương phản chiếu tốc độ phát triển của nền kinh tế. Vì thế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích thêm, các gói hỗ trợ của Chính phủ dù trực tiếp hay gián tiếp đều phát huy tác dụng khi giúp duy trì được tổng cầu có khả năng thanh toán của xã hội.
“Doanh nghiệp khi được hỗ trợ sẽ giảm chi phí, giá thành sản xuất, giúp kích thích tiêu dùng. Đồng thời, khi sản xuất phục hồi thì thu nhập của người dân tăng lên, tức là gián tiếp thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển”, ông Phong nói.