Bài toán khó cho doanh nghiệp

Dịch Covid-19 xuất hiện và tính tới ngày 27/2/2020 đã lan rộng ra tới 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y Tế Thế giới WHO đã quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới Corona gây ra, sau đó gọi là Covid-19 là “Vấn đề yếu tố khẩn cấp toàn cầu”. Đây là một dịch cúm có tốc độ lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu chững lại. Ở Việt Nam, chúng ta đã thành công bước đầu trong việc chống dịch với 16/16 ca phát sinh và đã khỏi bệnh 100%.

Dịch bệnh xảy ra đã tác động tới tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam. Bán lẻ là một trong những ngành bị ảnh hưởng khá mạnh do dịch bệnh nên việc đi lại mua sắm của người tiêu dùng vẫn thực hiện nhưng với tần suất thấp hơn so với trước, cơ cấu tiêu dùng của từng gia đình cũng có thay đổi đáng kể.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam bị giảm đáng kể

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn đối với kinh tế Việt Nam, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn trong bối cảnh ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh kép từ Covid-19 và dịch bệnh khác trên gia súc và gia cầm (H5N1, H5N6) đang diễn ra hiện nay.

Dịch Covid-19 khiến giá thiết bị y tế dùng cho công tác phòng chống lây nhiễm dịch (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, chất tẩy rửa...) và giá thuốc y tế tăng do nhu cầu tăng đột biến nên nguồn cung trong ngắn hạn chưa đáp ứng được, giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Tuy nhiên, giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau xanh; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình; giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí có thể sẽ giảm trong ngắn hạn (quý I/2020) do nhu cầu tiêu dùng giảm và nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm.

Ngoài ra, khi dịch bệnh kéo dài giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm theo giá xăng dầu thế giới do các hoạt động di chuyển, đi lại, giao thông của người dân trên thế giới bị hạn chế, nhất là tại các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của dịch. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc giảm, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên thế giới giảm bởi Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ dầu lớn trên thế giới.

Theo thống kê của Aeon Việt Nam, số lượng khách đã giảm 20 - 35%, các mặt hàng bán đều chậm lại, chỉ riêng cho mảng sản phẩm ăn nhanh, ăn liền, sản phẩm khô, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn là bán nhanh hơn và số lượng mỗi lần mua lớn hơn trước. Chậm nhất là những mặt hàng như thời trang, giầy dép, điện máy... 

Ngoài ra, doanh thu nhóm hàng điện máy ở siêu thị giảm từ 30 - 40% như Mediamart đã công bố. Riêng nhóm hàng máy sấy, máy hút ẩm, máy lọc không khí, số lượng bán có khá hơn, nhưng nguyên nhân lại do nhu cầu người dân chống dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Tình hình chung của các đơn vị bán lẻ tương tự như vậy.

Bộ Công thương cho biết, doanh thu bán lẻ tháng 1/2020 đạt 346.200 tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng 1 và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái và khả năng tháng 2 sẽ không đạt được mức tăng trưởng như vậy. Điều đáng chú ý là tháng 1/2020 là khoảng thời gian có nhu cầu tăng lên về mua sắm Tết nhưng doanh số chỉ tăng trưởng chưa đến 7% là một mức khá thấp. Trong khi, doanh thu giảm thì chi phí của các đơn vị bán lẻ như khấu hao tài sản, tiền thuê địa điểm, chi phí nhân công, vận chuyển… hầu như không có thay đổi, như vậy lợi nhuận ròng của các đơn vị bán lẻ chắc chắn sẽ giảm sút.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, tình hình trên không chỉ diễn ra ở kênh thương mại hiện đại mà còn diễn ra ở các chợ dân sinh, nơi chiếm tỷ trọng 70 - 75% doanh số bán hàng tiêu dùng cho xã hội. Khảo sát ở một số chợ cho thấy doanh số đều bị sụt giảm khi có dịch, tương tự như ở kênh bán hàng hiện đại.

Tình hình trên là một thách thức to lớn mà ngành bán lẻ phải vượt qua trong giai đoạn khó khăn này, nhưng đó cũng là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại mình để đổi mới hơn nữa trong việc tổ chức thu mua nguồn hàng và bán ra phục vụ cho xã hội hiệu quả hơn. Ngành bán lẻ phải tự thân đổi mới mình trước hết. Đổi mới một cách toàn diện, chắc chắn khắc phục những khiếm khuyết trong giai đoạn trước đây để thực hiện ngày càng tốt hơn hiệu quả kinh doanh của mình”, chuyên gia Phú chia sẻ.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tổng cầu đang giảm, nguyên nhân là do tiêu dùng ít đi, cộng với xu hướng khủng hoảng nền kinh tế xảy ra người dân giảm bớt chi tiêu. Nó là phản ứng tự vệ với bất kỳ nền kinh tế nào, nhất là đối với hàng hóa xa xỉ như du lịch, ăn uống, xa xỉ phẩm,…

Tổng cầu suy giảm sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế, trong khi, nền kinh tế cần một sức bật dậy qua tiêu dùng, vì chỉ số tiêu dùng/GDP của Việt Nam đang chiếm khá cao. Điều đó chính tỏ nền kinh tế của Việt Nam dựa rất nhiều vào sức tiêu thụ vào chi tiêu của người dân. Lúc này Chính phủ tìm cách để đẩy tổng cầu lên, khích thích tiêu dùng.

Lời giải…

Trước tác động của dịch bệnh ảnh hưởng tới nền kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra kịch bản như sau: Trường hợp dịch Covid-19 kết thúc ở quý I/2020, giá các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ tăng cao hơn ở quý II/2020. Nếu dịch Covid-19 kết thúc ở quý II/2020, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong gia đình tăng cùng với giá xăng, dầu có xu hướng tăng trở lại khi hết dịch.

Kịch bản 1, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chỉ tăng cao vào các dịp lễ Tết do nhu cầu tăng, sau đó trở về mức ổn định theo đúng quy luật tiêu dùng; ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc ở quý I/2020, CPI tháng 2 và tháng 3/2020 giảm so với tháng trước; giá xăng dầu, giá gas không tăng so với năm 2019; giá dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình tác động làm tăng CPI 0,35%. Dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%.

Kịch bản 2, giá thực phẩm tăng thêm 2% do nhu cầu tăng và ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm H5N1 tái phát. Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào một số ngành sản xuất tăng. Giá xăng dầu tăng trở lại điều chỉnh tăng 5%, giá gas tăng 10% ước tác động vào CPI khoảng 0,12%. Yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho thủy điện có thể xảy ra. Dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%.

Để vượt qua được khó khăn trước mắt, người nông dân cũng như doanh nghiệp cần phải tự đổi mới mình, thay đổi phương thức tổ chức, bán hàng 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, người nông dân, thương lái, doanh nghiệp cần phải thay đổi một số vấn đề quan trọng để giúp vượt qua khó khăn của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Cụ thể về chất lượng giá cả hàng hóa kinh doanh phải nâng lên một bước, đặc biệt là ở các siêu thị và trung tâm thương mại, nơi người tiêu dùng thường đặt niềm tin cao nhất. Về giá cả, cần rà soát lại các mức giá vô lý, không hợp lý do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan để kéo giá về một mức mà thị trường có thể chấp nhận được và mang tính cạnh tranh cao giữa các kênh bán lẻ.

Thời gian này cũng là cơ hội để tiếp tục đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu một cách bền vững. Văn hóa kinh doanh càng phải được đề cao, những hành vi bán hàng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi phải bị phê phán và xử lý kịp thời. Mối quan hệ giữa kênh bán lẻ với nhà cung ứng, nhà sản xuất phải bình đẳng, làm ăn tử tế có trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong những lúc khó khăn như hiện nay. 

Những cuộc giải cứu của siêu thị đối với thanh long, dưa hấu như vừa qua là tốt, nhưng vẫn còn có những điều tiếng về việc đàm phán giá hàng giải cứu, mang sức ép của một số đơn vị bán lẻ đối với những người đang ở thế bị động. Bán xong 1kg dưa hấu, nông dân chỉ còn 1.000 đồng thì sự giải cứu này còn mang tính áp đặt và chưa được trọn vẹn?

Luôn luôn đổi mới theo hướng hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn, tạo niềm tin nhiều hơn là xu hướng tất yếu của quá trình đổi mới và phát triển của các ngành kinh tế, trong đó có bán lẻ - một ngành kinh tế quan trọng của mọi đất nước. Chúng ta tin tưởng rằng những tổ chức cá nhân làm nhiệm vụ này cần phải nắm bắt cơ hội để tự giác đổi mới mạnh mẽ bản thân mình trong thời kỳ bình thường cũng như lúc có dịch để phát triển vững chắc hơn, làm được như vậy sẽ góp phần vào nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và phục vụ tiêu dùng xã hội một cách văn minh và hiệu quả. 

Đó là con đường duy nhất mà các nhà bán lẻ trong thời đại ngày nay phải phấn đấu một cách quyết liệt nhằm ngày càng hoàn thiện tổ chức của mình.

Theo Hồng Phong/Đô thị mới