Phát biểu tại Diễn đàn PGS.TS. Lê Xuân Đình, chia sẻ nhìn chung thị trường bán lẻ Việt Nam đến nay đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn trong và ngoài nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta trong giai đoạn 2011-2015 có mức tăng 11,38%/năm; giai đoạn 2016-2018 tăng 10,55%/năm. Tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 14%/năm.
Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập như thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi…
Đặc biệt, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và tương xứng với nhu cầu của khách hàng.
“Thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển cũng chỉ mới là giai đoạn đầu, cơ hội còn rất nhiều cho những nhà đầu tư đến sau, nhất là các nhà bán lẻ có thương hiệu, có sự khác biệt và ứng dụng các công nghệ quản lý bán hàng phát triển nhanh như hiện nay trên thế giới. Ở giai đoạn từ năm 2018 – 2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài; giữa các kênh bán hàng hiện đại và các kênh bán hàng truyền thống”, ông Đình cho biết.
Theo góc nhìn của người làm chính sách về thị trường bán lẻ của Việt Nam, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam đạt kết quả rất tốt (với doanh thu đạt 4,4 triệu tỉ đồng). Cả nước hiện có khoảng 8.600 chợ, hơn 1.000 siêu thị, và đây là kênh tốt để phân phối hàng hóa trong nước.
“Cần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững; Chú trọng tăng tổng cầu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa.
Cần phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ; Cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại bán lẻ trong nước; Đa dạng hóa các kênh phân phối, bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online và phát triển mạnh thương mại điện tử. Chú trọng hơn nữa việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại bán lẻ; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thương mại”, bà Nga nhấn mạnh.