Năm 2021, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nối dài cơn bĩ cực khi hai lần bị chặn đứng đà hồi phục do đợt dịch lần ba và lần bốn diễn ra trong quý đầu năm và hai quý giữa năm. Thanh khoản của các tài sản nghỉ dưỡng: Condotel, biệt thự biển, shophouse biển suy giảm suốt 12 tháng qua, trong đó thị trường condotel có kỳ ngủ đông dài khi nhiều tháng ròng không có giao dịch phát sinh.
Tuy nhiên, việc mở cửa đường bay quốc tế từ ngày 15/2 và việc Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3, trong đó có cả hoạt động đón khách quốc tế (inbound) và đưa khách Việt Nam đi nước ngoài (outbound) hứa hẹn sẽ kích thích du lịch quốc tế trong thời gian tới, từ đó cũng giúp thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng khởi sắc hơn.
Trong năm 2022, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ trên đà phục hồi và phát triển ra sao, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam để làm rõ hơn diễn biến này.
PV: Thời gian gần đây, thị trường chứng kiến sự sôi động trở lại của rất nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng thị trường đang phục hồi trở lại. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?
Ông Nguyễn Hoàng: Nói thị trường phục hồi trở lại chưa hoàn toàn đúng. Sau hơn 2 năm gần như trầm lắng của bất động sản nghỉ dưỡng, gần đây nhiều dự án rục rịch khởi động trở lại do hoạt động kinh tế xã hội đã mở cửa trở lại.
Hơn nữa, bất động sản nghỉ dưỡng không thể chờ đợi lâu hơn, cần có sự chuẩn bị để đón đầu khi các hoạt động du lịch mở cửa trở lại. Dù chưa được như giai đoạn trước khi dịch bệnh, nhưng ở một số dự án của các chủ đầu tư lớn đã có giao dịch tích cực.
Đặc điểm của các dự án khả quan này là:
Thứ nhất, quy mô lớn, được quy hoạch bài bản và đồng bộ.
Thứ hai, có tiện ích hoặc hệ sinh thái du lịch của chủ đầu tư và đối tác tạo nên sự phối hợp đồng bộ về năng lực triển khai.
Thứ ba, dự án có vị trí ở địa phương có thế mạnh du lịch vượt trội.
Thứ tư, chính sách bán hàng hấp dẫn và hỗ trợ người mua của chủ đầu tư
Mặc dù ngành du lịch chưa sôi động trở lại nhưng với nhiều chính sách sẵn sàng mở cửa và sự kỳ vọng phát triển du lịch trong thời gian tới (mục tiêu phát triển đến năm 2025), nhiều chủ đầu tư đã có sự chuẩn bị đón đầu.
PV: Theo ông, việc triển khai “Hộ chiếu vắc-xin” có phải là cánh cửa thoát hiểm cho thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hiện nay và trong năm 2022 không?
Ông Nguyễn Hoàng: Phải xác định rằng hộ chiếu vắc-xin là cánh cửa mở trực tiếp cho ngành du lịch. Khi ngành du lịch phát triển, sẽ có tác động trực tiếp lên bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Do đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thường sẽ có độ trễ nhất định.
Ngoài ra, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng còn chịu sự tác động của một số yếu tố khác, quan trọng nhất là năng lực/kinh nghiệm triển khai dự án và đối tác quản lý vận hành với các tiêu chuẩn được cam kết, từ đó mang lại lợi nhuận cho người đầu tư.
Nhìn lại năm 2019, dù du lịch Việt Nam có sự phát triển kỷ lục (hàng trăm triệu lượt khách nội địa và 18 triệu lượt khách quốc tế), bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn có những trì trệ đáng kể, một vài dự án chạy đua cam kết lợi nhuận nhưng không thực hiện được. Đồng thời, năm 2019 trở về trước, lượng sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng khá nhiều nếu không nói là cung vượt cầu.
PV: Trong năm 2022, theo ông mặt bằng giá bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ chuyển biến theo chiều hướng nào?
Ông Nguyễn Hoàng: Cùng chịu chung áp lực tăng giá của thị trường bất động sản nói chung do nhiều nguyên nhân (ví dụ chi phí đầu vào tăng), bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ đối mặt với áp lực tăng giá. Điều này sẽ làm tăng thêm thách thức và sức hút của phân khúc này, đồng thời cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải đưa ra những chính sách bán hàng hấp dẫn hơn trong năm tới.
PV: Theo ông thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực nào có khả năng phục hồi sớm nhất trong năm 2022?
Ông Nguyễn Hoàng: Như đã nói, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phụ thuộc vào hoạt động du lịch. Những địa phương có thế mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà, Phú Quốc có sự thay đổi cả về chất lượng và sản phẩm du lịch nên sẽ có sự phục hồi sớm hơn.
Bên cạnh đó, những địa phương có cơ chế linh hoạt trong việc thích ứng an toàn khi phòng chống dịch Covid-19 (thay vì hạn chế hoặc các áp dụng biện pháp quá chặt chẽ) sẽ có lượng khách du lịch sôi động hơn. Khi hoạt động du lịch của các địa phương này sôi động hơn, các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng có nhiều cơ hội hơn.
Ngoài ra, một số địa phương khác như Bà Rịa - Vũng Tàu với lợi thế ngay sát TP.HCM, gần sân bay Long Thành đang xây dựng và một vài địa phương khác như Bình Định, Phú Yên cũng có tiềm năng trở thành điểm đến mới cho du lịch, có tính cạnh tranh.
PV: Ông có nhận xét thế nào về ý kiến cho rằng sóng đầu tư sẽ tập trung vào những thị trường ven biển mới nổi trong giai đoạn tới?
Ông Nguyễn Hoàng: Sóng đầu tư vào các thị trường ven biển đã có từ những năm trước với đủ các loại sản phẩm từ condotel, biệt thự và shophouse, đất nền,... Do tình hình dịch bệnh nên các hoạt động đầu tư kinh doanh bị gián đoạn.
Hiện nay, trên cơ sở Nghị quyết 128/2021 được thực hiện tích cực và hiệu quả, các hoạt động kinh tế - xã hội gần như trở lại bình thường. Từ đó, các hoạt động giao dịch bất động sản đã tích cực trở lại, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, sóng đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng hay bất động sản ven biển nói chung có quay trở lại hay không còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm:
Thứ nhất, dự an toàn và chính sách kiểm soát dịch bệnh của mỗi địa phương
Thứ hai, các dấu hiệu, chỉ số của phát triển kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, chứng khoán, tăng trưởng kinh tế, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ,...
PV: Thưa ông, nếu trong trường hợp xấu nhất, dịch Covid-19 chưa thể dập tắt cùng với sự xuất hiện của biến thể mới thì trong năm 2022, kịch bản phát triển của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ ra sao?
Ông Nguyễn Hoàng: Đối với bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng, thách thức trước tiên vẫn là tình hình dịch bệnh phức tạp, những biến chủng mới khó lường có thể gây ra các đợt bùng phát mới nghiêm trọng.
Từ đó, nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh có thể được áp dụng nghiêm ngặt hơn, làm gián đoạn/ngưng trệ các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, may mắn hiện nay chưa thấy những dấu hiệu nghiêm trọng nào (dù Việt Nam đã phát hiện ca nhiễm Omicron). Đồng thời, qua đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, Chính phủ đã có kinh nghiệm và phương án linh hoạt, thích ứng an toàn trong phòng chống dịch theo Nghị quyết 128/2021.
Dù vậy, vẫn phải tính đến những khó khăn, thách thức có thể xảy ra, quan trọng nhất là:
Du lịch được mở cửa trở lại với những chính sách kích cầu (nhưng vẫn chưa thể như năm 2019 trở về trước), sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Hiện tại, một số sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chưa có quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của người mua, người bán và bên vận hành (vấn đề sổ hồng, quyền sở hữu,…) nên người mua vẫn còn chưa yên tâm.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://reatimes.vn/du-bao-dien-bien-thi-truong-bat-dong-san-nghi-duong-nam-2022-20201224000009807.html?fbclid=IwAR28uKHfaLoPDgC1z-ctQRXQ3KWGko6IC_DQ3JT5j-roUQH53SIlgZ_K4Qg