Sau 4 tuần liên tiếp tăng điểm, VN-Index trong tuần cuối cùng tháng 6 và cũng là phiên cuối cùng của quý II/2023 đã chịu áp lực điều chỉnh, nhà đầu tư chốt lãi ở vùng giá quanh kháng cự mạnh 1.140 điểm. Tuần trước, chỉ số VN-Index đã vượt 1.125 đỉnh cũ của nhịp trung hạn hồi tháng 1, xong tuần này với việc kiểm định lại không thành công, VN-Index lại đóng nến tuần nằm dưới kháng cự mạnh này. Tổng cộng, VN-Index giảm 9,2 điểm trong tuần 26 - 30/6, tương ứng -0,81% xuống mức 1.120,18 điểm.

Một tuần giao dịch đón nhận nhiều thông tin từ vĩ mô

Thường thì thời điểm tháng 6, đầu tháng 7 của năm, thị trường chứng khoán hầu hết đều sẽ biến động mạnh vì đây là thời điểm các thông tin vĩ mô về kinh tế xã hội của đất nước 6 tháng đầu năm bắt đầu được tung ra. Kết quả kinh doanh và tốc độ phát triển của quý II và 6 tháng đầu năm 2023 dần được hé lộ và sẽ phản ánh một phần vào giá cổ phiếu. 

Tăng trưởng GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, tăng cao hơn so với quý I (3,32%) nhưng vẫn đang rất thấp so với cùng kỳ các năm trước. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn năm 2020 (1,74%) trong khi thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong giai đoạn 2013 - 2022 (trên 5,5%). Với tốc độ không như kỳ vọng này, rất khó có thể đạt được mức tăng trưởng mục tiêu đã đề ra là 6 - 6,5%. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 2%. CPI bình quân quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 6/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%; lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hoá và dịch vụ vẫn chỉ duy trì hoặc tăng trưởng nhẹ so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Trong khi đó kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng âm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cần thêm thời gian để thẩm thấu chính sách

Trong tuần qua Quốc hội cũng đã thông qua tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Với thông tin này sẽ kỳ vọng kích cầu thêm tiêu dùng, nhóm bán lẻ sẽ được hưởng lợi và phản ứng trong ngắn hạn (FRT, MWG, DGW).
Rõ ràng các chính sách tích cực từ vĩ mô của Nhà nước đang có chuyển biến tốt nhưng tốc độ chưa được như kỳ vọng. Nền kinh tế vẫn sẽ cần thêm thời gian để thẩm thấu và phản ánh tích cực vào thị trường chứng khoán.

Về mặt chỉ số VN-Index cũng đã thủng lại vùng đỉnh đã vượt qua được trong tuần giao dịch trước. Áp lực chốt lời sẽ diễn ra mạnh hơn trong nhưng phiên tới, nếu không có dòng tiền dòng tiền đối ứng lại, thị trường sẽ dễ kiểm định lại những hỗ trợ dưới vùng 1090. Tính từ thời điểm giữa tháng 11, thị trường đã có nhịp hồi trung hạn 32 tuần, nếu xét theo fibonacci thời gian, thời điểm 34 tuần (+-1) là thời điểm thị trường dễ xảy ra biến động nhất cho 1 nhịp trung hạn. Nhà đầu tư cũng nên nhớ lượng trái phiếu đáo hạn trong các tháng 6, 7, 8 là rất lớn và đến bây giờ vẫn chưa có nhiều thông tin.

Chính sách giảm lãi suất của nhà nước sẽ tiếp tục được hấp thụ và dần phản ánh vào thị trường, cơ hội trong dài hạn sẽ rất tươi sáng cho một chu kỳ tăng trưởng mới của VN-Index. 

Tuy nhiên trong ngắn hạn, thị trường giai đoạn tới khả năng sẽ bắt đầu phân hoá, thời điểm đầu và cuối của một nhịp luôn diễn biến khó lường. Sau một nhịp tăng, thị trường cũng cần điều chỉnh để tìm lại vùng cần bằng và thu hút thêm dòng tiền mới giải ngân. Để không mất đà tăng ngắn hạn, chỉ số VN-Index cần giữ được kênh xu hướng tăng (hình dưới), nếu gãy kênh xu hướng này, thị trường rất dễ sẽ có một nhịp điều chỉnh trung hạn.

Kênh xu hướng và timing của VN-Index hiện tại.
Kênh xu hướng và timing của VN-Index hiện tại.

 

Theo Reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/thi-truong-chung-khoan-can-them-thoi-gian-de-tham-thau-cs-20201224000020535.html