Hiệu ứng Tết Âm lịch là một trong những bất thường của thị trường chứng khoán khi tỷ suất sinh lời xung quanh các ngày Tết Âm lịch tăng cao một cách bất thường. Nguyên nhân của hiện tượng này được tâm lý học hành vi giải thích rằng các ngày lễ nhìn chung có tác động tích cực đến tâm lý.
Đối với ngày lễ cổ truyền lớn nhất của Việt Nam, sau khi kết thúc 1 năm cũ và nhận được tiền thưởng cuối năm, nhà đầu tư đang trong trạng thái hưng phấn và chờ đón các ngày lễ sẽ trở nên tự tin hơn và sẵn sàng đầu tư vào các tài sản có rủi ro cao hơn.
Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS -HoSE: FTS), chỉ số VN-Index tăng 13/18 lần trong 5 ngày giao dịch trước Tết và tăng 11/18 lần trong 5 ngày giao dịch sau Tết. Đối với chỉ số HNX-Index ghi nhận tăng 11/13 lần trong 5 ngày giao dịch trước Tết và tăng 9/13 lần trong 5 ngày giao dịch sau Tết.
Sau phân tích định lượng, hiệu ứng của giai đoạn 5 ngày sau Tết là không rõ ràng. Nhưng trong 5 ngày trước Tết, nắm giữ chứng khoán rổ VN-Index và HNX-Index trung bình đạt tỷ suất lợi nhuận lần lượt cao hơn 0,25% và 0,3% so với những ngày thường.
Qua những thống kê mô tả cơ bản chỉ số VN-Index, nhận thấy hiệu ứng Tết Âm lịch thể hiện rõ ràng ở giai đoạn trước tết.
Tỷ suất sinh lợi trung bình theo ngày của 5 ngày trước Tết cao gấp 9,7 lần so với các ngày giao dịch thông thường. Mặt khác, độ lệch chuẩn của giai đoạn trước tết là 1,28% còn nhỏ hơn độ lệch chuẩn của toàn bộ chỉ số VN-Index 1,52% thể hiện mức rủi ro biến động thấp hơn mức trung bình thị trường.
Tỷ suất sinh lợi trung bình theo ngày của 5 ngày sau Tết tuy nhỏ hơn giai đoạn trước tết nhưng vẫn gấp 3,4 lần so với toàn chỉ số VN Index và gấp 4,2 lần so với các ngày giao dịch thông thường. Tuy nhiên, đi kèm tỷ suất sinh lợi cao hơn là rủi ro lớn hơn mức trung bình thông qua độ lệch chuẩn 1,83%.
Sau sàn lọc những mã cổ phiếu nhạy cảm với hiệu ứng trên, FPTS đưa ra khuyến nghị đầu tư ngắn hạn vào dịp 5 ngày trước Tết Âm lịch 2019 bao gồm các mã CTD, CTG, HSG, REE, SSI. Chiến lược mua vào ngày 25/1 và bán vào ngày 1/2.
Nhà đầu tư vẫn có cơ hội dẫu thị trường 2019 khó khăn
CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng năm 2019 thị trường sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng không phải không có cơ hội. Những nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư năng động giải ngân.
Trong năm 2019, VDSC tập trung vào chiến lược lựa chọn cổ phiếu ở ba nhóm chính là: Nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, hệ số thanh khoản cao và tỷ lệ đòn bẩy thấp; Nhóm cổ phiếu cơ hội từ các hiệp định thương mại cũng như tranh chấp thương mại, và Câu chuyện cũ về cổ phần hóa DNNN và thoái vốn Nhà nước.
Thoái vốn Nhà nước đã chững lại đáng kể trong năm 2018, trái ngược hẳn 2017 với 2 thương vụ SAB (110 ngàn tỷ đồng) và VNM (9 ngàn tỷ đồng). Tổng giá trị thoái vốn 2018 đạt 35,7 ngàn tỷ đồng, chỉ bằng 29% của năm 2017. Một nửa trong số đó đến từ PVOil, PVPower và BSR.
Năm 2019, Bộ Tài Chính kỳ vọng thu về 50.000 tỷ đồng từ thoái vốn, cao hơn 40% so với 2018. VDSC ước tính đóng góp hầu hết sẽ đến từ các thương vụ bị tạm hoãn từ 2017 và 2018 như VRG, MOBIFONE, GENCO 3, ACV, PLX, và VGT.
Điều kiện thị trường không thuận lợi cộng thêm quy định khắt khe về giá chào bán tại Nghị định 32/2018/ND-CP là một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ trong 2018. Vì vậy, trong 2019, VDSC cho rằng các cổ phiếu đầu tư theo chủ đề này cần phải là các mục tiêu thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư chiến lược: triển vọng tốt, có thể tạo ra giá trị hiệp lực cho người mua.
Theo đó, thoái vốn khả năng sẽ tái khởi động câu chuyện ở PLX, GAS, POW hay ACV. Với ACV, các thương vụ mua bán cảng hàng không trên thế giới gần đây có mức bội số từ 16x-18x. VDSC cho rằng sẽ có cơ hội để tích lũy ACV trong năm 2019, nếu những lo ngại về ảnh hưởng của việc đóng cửa 2 đường băng tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài tác động xấu đến giá cổ phiếu. Hiện ACV đang giao dịch ở mức EV/EBITDA trượt là 16x.
Mộc Miên