Doanh số giảm kinh ngạc

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm 2021 đến nay có nhiều biến động lớn. Làn sóng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh lan ra nhiều tỉnh, TP, khiến doanh số bán xe của các thương hiệu lớn (kể cả xe cũ) sụt giảm thê thảm.

Trong thời gian giãn cách, các nhà sản xuất, đại lý phân phối ô tô tại Việt Nam buộc phải chuyển hoàn toàn sang hình thức bán hàng online; đồng thời triển khai nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút người mua. Hàng loạt mẫu mã ô tô từ xe phổ thông đến xe sang, từ xe lắp ráp đến ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đều lần lượt giảm giá bán. Một số mẫu xe của Hyundai, KIA, Toyota, Mazda, Ford... và đặc biệt là VinFast, giảm giá đến chục triệu đồng.

Một số thời điểm có mẫu xe ưu đãi đến hàng trăm triệu đồng như: Honda CR-V (120 triệu đồng); Peugeot 5008 (155 triệu đồng); Suzuki Ertiga Sport (100 triệu đồng). Hay một số mẫu xe giảm giá mạnh từ 70 triệu đến hơn 300 triệu đồng như: Subaru Forester, Mazda CX-8, Kia Sorento, hay Mercedes-Benz S 450.

Thị trường ô tô sẽ phục hồi mạnh mẽ?
Thị trường ô tô sẽ phục hồi mạnh mẽ? (Ảnh: VOV)

Bất chấp những nỗ lực các nhà sản xuất, đại lý phân phối ô tô, doanh số bán hàng vẫn quá chênh lệch so với những năm chưa xuất hiện dịch Covid-19. Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 9/2021, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA đã giảm đáng kinh ngạc đến 18% so với năm 2019 (chưa xuất hiện dịch bệnh Covid-19).

Trao đổi về vấn đề này, đại diện một đại lý chính hãng của xe KIA tại quận Hoàng Mai cho biết, thời gian giãn cách vì dịch bệnh Covid-19 vừa qua, thị trường vô cùng trầm lắng. Lượng xe bán ra trên toàn miền Bắc giảm tới 70%. Nhiều người dân đặt xe nhưng chưa nhận.

Không chỉ thị trường xe mới, nhiều showroom xe cũ cũng rơi vào tình trạng trì trệ trong nhiều tháng. Chia sẻ với phóng viên, anh Vũ Thái Hoàng, chủ showroom ô tô Thái Hoàng nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cho biết: “Từ cuối tháng 7, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi buộc phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, và chuyển sang bán xe online; tuy nhiên lượng khách mua xe theo hình thức này không nhiều”.

Có nhiều dấu hiệu khởi sắc

Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng từng phần, thị trường ô tô đã có những chuyển biến tích cực. Theo số liệu do VAMA cung cấp, chỉ tính riêng tháng 9 vừa qua, doanh số bán hàng của toàn thị trường đã đạt 13.537 xe, bao gồm 8.347 xe du lịch; 4.886 xe thương mại và 304 xe chuyên dụng.

Trong đó, doanh số xe du lịch tăng 34%; xe thương mại tăng 108% và xe chuyên dụng giảm 2% so với tháng 8. Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 7.316 xe, tăng 37% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.221 xe, tăng 76% so với tháng 8.

Trước đó, doanh số bán lẻ ô tô trong nước đã có 5 tháng giảm liên tiếp. Đặc biệt là trong tháng 8, đã ghi nhận mức độ sụt giảm kỷ lục từ năm 2015 đến nay. Trên thực tế liệu pháp "sốc điện" từ việc giảm 50% lệ phí trước bạ trong năm 2020 đã cho thấy hiệu quả mạnh mẽ, không chỉ hồi sức cho các DN kinh doanh ô tô mà còn tăng thu ngân sách. Theo nguồn tin riêng của phóng viên, tính riêng trong 6 tháng áp dụng biện pháp giảm lệ phí trước bạ, ngân sách đã thu về 14.000 tỷ đồng thuế phí, trong khi khoản hụt do miễn giảm là 7.000 tỷ đồng.

Chuyên gia về thị trường ô tô Nguyễn Minh Độ nhận định: “Như thường lệ, những tháng cuối năm người dân có xu hướng mua xe nhiều hơn, dự kiến thị trường sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Ngoài ra, dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, nhiều địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động kinh doanh, buôn bán được mở lại trong đó có ô tô cũng là một tiền đề để thị trường ô tô trong nước phục hồi”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những khởi sắc ban đầu, các hãng, đại lý xe đang phải đối diện với những khó khăn mới. Ví như việc không ít khách hàng tìm cách trì hoãn thời gian mua xe để chờ đợi quyết định miễn giảm lệ phí trước bạ từ ngày 15/11 của Bộ Tài chính.

Có thể thấy, việc điều chỉnh thị trường bằng cơ chế tạm thời như miễn giảm lệ phí chước bạ là một động lực tích cực, kích thích sự hưng phấn ngay lập tức cho thị trường ô tô. Từ đó tạo nên hàng loạt tác động dây chuyền, thúc đẩy DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, góp phần sớm phục hồi nền kinh tế nói chung sau thời gian dài gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Theo Kinh tế Đô thị