Có nên cúng tất niên sớm không?

Đã thành lệ hàng năm, trước khi đón năm mới các gia đình thường làm lễ cúng để tiễn năm cũ đi và đón năm mới đến gọi là cúng tất niên. Cúng tất niên là phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam được tiến hành vào chiều và tối ngày 29 hoặc 30 Tết, trước lễ cúng giao thừa.

Đây là dịp cả gia đình quây quần bên mâm cơm, cùng nói chuyện năm cũ, chia sẻ những định hướng trong năm mới. Đồng thời nhân dịp này, con cháu cùng tưởng nhớ ông bà tổ tiên, gửi lời cảm tạ, cầu xin may mắn về tài lộc, sức khỏe và sự thịnh vượng cho toàn thể gia đình.

Về cơ bản, vào ngày 30 Tết, mỗi gia đình cần chuẩn bị hai mâm cỗ, một mâm cúng tất niên và sau đó là để các thành viên trong nhà ăn tối, còn mâm khác chuẩn bị cho cúng giao thừa. Bữa cơm ngày cuối năm thể hiện sự thành kính với các vị thần linh, thổ địa, tổ tiên nên được làm thịnh soạn hơn ngày thường, tùy theo đặc trưng của từng vùng miền.

Hiện nay nhiều gia đình có xu hướng làm cơm cúng Tất niên sớm hơn, có thể luân phiên nhau trong vài ngày trước Tết để người thân có thể tới nhà nhau hoặc có kế hoạch đi du lịch. Tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình mà có thể lựa chọn thời điểm thích hợp nhất để tiến hành lễ cúng cũng như cả gia đình đoàn tụ bên mâm cơm Tất niên.

Mâm cúng tất niên đặt ở đâu?

Thông thường, mâm cúng tất niên sẽ được đặt tại nơi thờ cúng thần phật, gia tiên. Vì đây là lễ cúng thiên địa vì thế không gian cúng và mâm lễ nên đặt ở nơi có sự giao thoa giữa đất trời cùng vạn vật.

Ở một số nơi, mâm cúng tất niên còn được đặt ở ngoài trời.

Trong thời gian làm lễ cúng tất niên, gia chủ nên mở hết cửa để vận khí được lưu thông, như thế mới có nhiều phúc lành, may mắn.

Lưu ý khi cúng tất niên ai cũng nên nhớ kỹ

* Thời gian cúng tất niên

Theo các chuyên gia phong thủy, thời gian cúng tất niên thích hợp nhất là vào ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp. 

Giờ đẹp cúng tất niên các gia chủ có thể chọn lựa 1 trong 3 thời điểm sau: 9 - 11 giờ, 17 - 19 giờ và 21 - 23 giờ.

* Mâm cỗ cúng tất niên

Tùy thuộc vào từng vùng miền, địa phương mà mâm cơm cúng tất niên gồm những lễ vật khác nhau.

- Mâm cơm cúng tất niên miền Bắc thường có: Gà luộc, giò lụa, giò xào, thịt đông, canh bóng thả, miến gà, xôi/bánh chưng, nộm, dưa hành muối...

- Mâm cơm cúng tất niên miền Trung gồm: Dưa món, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt đông, thịt heo luộc, giá chua, canh măng khô, cá chiên hoặc ram.

- Mâm cơm cúng tất niên miền Nam gồm: Bánh tét, củ cải ngâm nước mắm, canh măng, khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, thịt heo luộc, chả giò, dưa giá/củ kiệu...

Theo An An (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/thoi-diem-cung-tat-nien-thich-hop-nhat-20201231000000767.html