Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm thu nộp ngân sách nhà nước của toàn ngành gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng chỉ đạt tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% (tương ứng giảm 45,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% (tương ứng giảm 17,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022 và trị giá nhập khẩu ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% (tương ứng giảm 27,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm đã khiến thu nộp ngân sách nhà nước của ngành hải quan gặp khó khăn. Chỉ tính riêng số thu từ ngày 1/5 đến 31/5, toàn ngành hải quan chỉ thu đạt 30.054 tỷ đồng, giảm 6,23% so với tháng 4.
Kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng có số thu lớn giảm. Có thể kể đến như ô tô nguyên chiếc các loại đạt 7,6 nghìn chiếc; trị giá đạt 189,5 triệu USD, giảm 37,8% về lượng và giảm 33,6% về trị giá, làm giảm thu 1.287 tỷ đồng. Sắt thép các loại đạt 675 nghìn tấn, trị giá đạt 555 triệu USD, giảm 22,1% về lượng và giảm 16,7% về trị giá, làm giảm thu 253 tỷ đồng. Điện thoại các loại và linh kiện đạt 166 triệu USD, giảm 27,1%, làm giảm thu 180 tỷ đồng.
Số thu lũy kế thu ngân sách từ đầu năm đến 31/5/2023 đạt 152.942 tỷ đồng, bằng 36% dự toán, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân giảm thu được nhận định là do 5 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Bên cạnh đó, chiến sự tại Nga - Ukraine khiến nền kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với sự thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh. Đồng thời, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chỉ tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, đặc biệt là đối với các ngành như dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại. Trong khi đó, giá xăng dầu liên tục biến động.
Cục Thuế xuất nhập khẩu cho rằng, từ những yếu tố trên đã dẫn đến tổng trị giá xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước trong 5 tháng đầu năm giảm.
Tuy nhiên trong 5 tháng đầu năm 2023, một số nhóm hàng cũng có kết quả thu ngân sách nhà nước khá khả quan, nổi bật trong đó là nhóm hàng ô tô nguyên chiếc các loại với kim ngạch NK có thuế đạt 61.780 nghìn chiếc, trị giá đạt 1,38 tỷ USD tăng 21,8% về lượng và tăng 9,5% về trị giá, làm tăng thu 4.600 tỷ đồng; mặt hàng dầu thô đạt 4,9 triệu tấn, trị giá đạt 3 tỷ USD, tăng 49% về lượng và tăng 20% về trị giá, làm tăng thu 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tại nhiều đơn vị chiếm số thu lớn của ngành có số thu lũy kế đến 31/5 đều giảm mạnh như Cục Hải quan Hà Nội giảm 17,37%; Cục Hải quan Bà Rịa Vũng Tàu giảm 24,8%; Cục Hải quan Đồng Nai giảm 32,45%; Cục Hải quan Bình Dương giảm 28,87%; Cục Hải quan Bắc Ninh giảm 22,69%; Cục Hải quan Hà Tĩnh giảm 26,27%...
Năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 425.000 tỷ đồng. Dự toán thu ngân sách năm 2023 được xây dựng trên cơ sở dự kiến các chi tiêu kinh tế như tốc độ tăng trưởng GDP 6 - 6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8 - 9%; kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7 - 8%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các nhiệm vụ cơ bản để đạt mục tiêu đã đề ra.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/thu-ngan-sach-tu-hoat-dong-xuat-nhap-khau-dat-36-du-toan-104523.html