Hàng tấn cá chép đỏ phục vụ cho ngày Táo quân về trời.
Ông Trần Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc chia sẻ, những ngày này, từ đầu làng tới cuối làng Thủy Trầm đã rộn ràng không khí Tết khi cảnh đánh bắt, mua bán cá chép đỏ đang diễn ra tấp nập. Cả xã rực đỏ, rực vàng màu cá chép.
Nuôi cá chép đỏ để phục vụ cho ngày Tết ông Công ông Táo đã trở thành một nghề của người dân làng Thủy Trầm từ những năm 1962, 1963.
Trước đây, diện tích nuôi cá là trồng lúa nhưng vì đặc tính đất vùng trũng nên năng suất lúa thấp. Người dân đã cải tạo, xây thành ao để nuôi cá, tôm các loại.
Đặc biệt, từ năm 1962, khi người dân Việt có tục thả cá chép vào ngày ông Công ông Táo về trời 23 tháng Chạp, người dân Thủy Trầm bắt đầu nghiên cứu và nuôi cá chép để bán vào dịp 23 tháng Chạp.
Lúc đầu người dân nuôi cá chép trắng, dần dần về sau, khi nhu cầu của thị trường chuộng cá chép đỏ, nhân dân làng Thủy Trầm chuyển sang nuôi sang cá chép đỏ.
Để có lượng cá chép đỏ lớn vào dịp giữa tháng Chạp, thì từ đầu tháng 6 dương lịch, người dân đã ươm giống cá bằng cách cho cá bố mẹ đẻ trứng.
Khi trứng chuẩn bị nở thành cá con thì thả xuống ao ươm và nuôi tới giữa tháng Chạp là chuẩn bị bán.
Khi nuôi, người dân Thủy Trầm chăm sóc cá và cho cá ăn những thức ăn do chính tay mình làm ra như ngô, cám gạo chứ không cho ăn những loại cám kích thích.
Cá chép đỏ làng Thủy Trầm thu hút đông đảo giới thương buôn mỗi độ Tết ông Công ông Táo bởi cá ở đây có kích cỡ vừa phải, khỏe, đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên, vì thế nên được thị trường khắp nơi ưa chuộng. Trọng lượng cá nhỏ, 30 – 40 con/kg.
Sau khi thu hoạch, cá được cho vào bao nilon chứa 10 kg nước và bơm oxy để chuyển lên bờ. Nhờ có nước và khí nên cá vẫn sống khỏe mạnh, không chết ngạt khi đươc vận chuyển đi xa.
Ở thời điểm hiện tại, giá bán buôn cho các thương lái dao động khoảng 100.000/1kg. Đến sát ngày ông Công ông Táo, giá sẽ tăng mạnh hơn.
Cả làng Thủy Trầm có hơn 90% hộ nuôi cá chép đỏ. Ông Sanh cho biết, năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, đồng thời tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước.
Tháng 12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm và bảo vệ thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm trên phạm vi toàn quốc.
Điều đó tạo hướng đi vững chắc cho làng nghề truyền thống này, thêm hy vọng cho người làm nghề này.