Trong Chỉ thị số 44/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng giao cho Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm bắt tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, chế độ... đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết...

Hiện, Bộ LĐTB&XH đã có yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, thưởng, thưởng Tết Dương lịch và Âm lịch năm 2021. Thông tin từ phía nhiều địa phương, năm 2020 dù tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhưng các DN, công ty duy trì được hoạt động đều cố gắng thực hiện thưởng Tết cho người lao động (NLĐ) mức tương đương năm trước. Đây cũng là cách ổn định, hài hòa và động viên NLĐ có động lực làm việc trong thời gian tới. Đối với những DN hoạt động khó khăn sẽ tính toán để thưởng cho NLĐ một tháng lương cơ bản. Những DN nhỏ và và siêu nhỏ, phải cho công nhân giãn việc, ngừng việc sẽ cố gắng trả đủ tháng lương thứ 12 và đang tính nguồn để mỗi NLĐ có túi quà về đón Tết cùng gia đình.

Với vai trò là tổ chức đại diện cho NLĐ, sau một thời gian khảo sát và nắm bắt tình hình hoạt động từ phía DN và tâm tư của NLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có quyết định chi hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai năm 2020 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Những đoàn viên công đoàn, NLĐ có thời gian làm việc tại DN, cơ quan, đơn vị từ một năm trở lên, tính đến ngày 31/12/2020 đáp ứng các tiêu chí được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người. Trường hợp đoàn viên công đoàn, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, thiên tai, mức hỗ trợ tối đa không quá 2.000.000 đồng/người. Có lẽ đây là quyết định hết sức kịp thời, hợp lý và thể hiện rõ là tổ chức công đoàn đại diện của NLĐ. Quyết định không chỉ là sự động viên, quan tâm, sẻ chia mà còn giúp cho rất nhiều đoàn viên, công đoàn, NLĐ có thêm nguồn tiền để chi phí mua sắm Tết. Đoàn viên công đoàn, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn hết sức phấn khởi khi trước Tết được tham gia chương trình “Tết Sum vầy”, “Chuyến xe yêu thương”... để sau kỳ nghỉ Tết sẽ quay trở lại DN làm việc với tinh thần hăng say, đạt năng suất và chất lượng cao hơn.

Có thể thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng các tỉnh, TP lớn như Hà Nội vẫn quyết định dùng ngân sách để tặng quà cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Trong những ngày này, Hội Chữ thập đỏ cấp quận, huyện, xã, phường, tổ, thôn, xóm vẫn đang vận động các DN, tổ chức, nhà hảo tâm với tinh thần “nhường cơm xẻ áo” ủng hộ tiền, sản phẩm để làm quà Tết cho những người dân gặp khó khăn. Sự quan tâm, chăm lo đến người dân, NLĐ trong đại dịch Covid-19 và nay là Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã thể hiện “tinh thần Việt Nam”. Tinh thần ấy được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đưa Việt Nam trở thành “một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới”.

Theo Kinh tế Đô thị

Nguồn: http://kinhtedothi.vn/de-ai-cung-co-tet-406914.html