Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, trong vòng 30 ngày (từ giữa tháng 9 đến nay), 8 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Nghệ An đến Quảng Ngãi) đã liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai (bão, ATNĐ, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) do 3 cơn bão và 2 ATNĐ, kết hợp với các hình thế thời tiết cực đoan khác, đã gây 2 đợt mưa lớn kéo dài. Lũ lớn xuất hiện trên 14 tuyến sông chính, trong đó có 4 tuyến sông, lũ đã vượt mức lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng.
Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng (bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến tất cả các tuyến từ ngoài Biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trong thời gian dài.
Đặc biệt, 2 đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến đến nay lớn hơn 1.000mm; riêng tại Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, mưa lớn tới 2.000-2.500mm, vượt mưa lũ lịch sử năm 1999.
Một số trạm mưa đặc biệt lớn như: Hướng Linh (Quảng Trị) 3.245mm; A Lưới (Thừa Thiên-Huế) 2.941mm; Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế) 2.869mm…
Đặc biệt, cao điểm nhất vào ngày 12/10 và 18/10, hơn 260.000 hộ (trên tổng số 1 triệu hộ dân) bị ngập, thuộc 6 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam và kéo dài 8 ngày, trong đó tỉnh ngập lớn nhất là Quảng Bình với 85.864 hộ, có nơi ngập sâu đến 2-3m như huyện Lệ Thuỷ, huyện Quảng Ninh…
Hiện còn khoảng 154.600 hộ thuộc 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đang bị ngập sâu.
"Tình hình sạt trượt không tuân thủ theo bất cứ quy luật nào với tính chất vô cùng nghiêm trọng. Hiện có 44 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển ở Huế, Quảng Nam, 268 điểm sạt lở đất khu vực miền núi, đặc biệt nghiêm trọng tại Rào Trăng 3, Trạm kiểm lâm số 7 (Thừa Thiên-Huế) cùng một số khu vực huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.
Trước tình hình mưa lũ dồn dập, cực đoan, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nỗ lực, chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả để giảm thiểu thiệt hại.
Tính đến 17 giờ ngày 19/10, có 127 người thiệt mạng và mất tích đồng thời các thiết chế hạ tầng, nông nghiệp, thủy lợi, công trình dân sinh, công trình phòng, chống thiên tai, đê điều, hồ đập, giao thông, thủy lợi… bị thiệt hại lớn, chưa thể thống kê được do nước chưa rút.
Cùng với tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, khu vực miền núi, mưa lớn còn kéo dài tại Nghệ An, Quảng Bình, đặc biệt tại Hà Tĩnh với tình trạng tất cả các hồ chứa đều đầy, nguy hiểm nhất là tình hình tại hồ Kẻ Gỗ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị các bộ, ngành, lực lượng chức năng dồn sức thực hiện các biện pháp, không để xảy ra tình trạng vỡ hồ, vỡ đập.
Theo đại diện của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cơ quan này đã dùng radar thời tiết dự báo từng giờ, cung cấp cho lực lượng cứu hộ. Xu thế chuyển từ năm khô hạn sang năm nhiều mưa lũ đang và sẽ tiếp tục xảy ra, từ nay đến cuối tháng 10 và sang cả tháng 11. Đêm mai, sẽ có cơn bão vượt quần đảo Philippines vào Biển Đông. Bên cạnh đó, cần đề phòng rét đậm rét hại khi năm nay mùa đông sẽ lạnh hơn.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết chế độ chính sách cho các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, theo đó, quân đội đề nghị và được Đảng, Nhà nước đồng ý truy thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng cho đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu, người đã hy sinh cùng các đồng đội khác khi trên đường làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam có sự truy thăng này.
“Chúng tôi tiếp tục tổ chức lực lượng tìm kiếm công nhân còn mất tích ở Rào Trăng 3”, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết. “Hằng ngày, chúng tôi chỉ huy trực tiếp”. Hôm qua, Quân đội đã điều trực thăng ra sân bay Phú Bài, sẵn sàng chờ thời tiết thuận là bay.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trận "lũ chồng lũ, bão chồng bão" lịch sử tại miền Trung đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng con người và tài sản.
Thủ tướng Chính phủ chia sẻ mất mát với đồng bào miền Trung, đặc biệt là những người bị nạn, cán bộ, chiến sỹ, phóng viên đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vừa qua. Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự vào cuộc của các lực lượng với tinh thần không màng hiểm nguy bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân trong phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trước tình hình lũ bão dồn dập, liên tiếp gây thiệt hại nặng nề đến các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các lực lượng phải sẵn sàng hơn nữa để cứu dân trên tinh thần "không được để dân đói rét, không để dân màn trời chiếu đất"; tích cực cứu hộ, cứu nạn, nhưng phải đảm bảo an toàn.
Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính quyết định xuất cấp phương tiện, trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn.
Về hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, khắc phục cơ sở hạ tầng, Thủ tướng chấp nhận đề nghị trước mắt hỗ trợ mỗi tỉnh 100 tỷ đồng (gồm Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh).
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Các bộ, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ trong các công điện đã ban hành.
Bộ Quốc phòng động viên các lực lượng có liên quan, giải quyết tốt chính sách, chế độ cho các đơn vị bị thiệt hại đúng quy định.
Thủ tướng một lần nữa lưu ý, có kịch bản chi tiết nhất đối với các hồ chứa và các phương án cứu trợ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du.
“Tôi đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo, bám sát dân. Các cấp, các ngành bám vào chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp với các địa phương giải quyết tốt, hỗ trợ các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra", Thủ tướng nhấn mạnh.