Tại phiên họp này, Chính phủ sẽ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 và 02, tình hình phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tăng tốc, về đích trong những tháng cuối năm.
Chính phủ cũng sẽ xem xét, thảo luận công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Báo cáo phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2021, tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử và một số nội dung khác.
Các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng dù ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua nhưng là nỗ lực đáng ghi nhận.
Tăng trưởng kinh tế cả nước trong quý III/2020 ước tính đạt 2,62%, cao hơn nhiều mức tăng 0,39% của quý II và nhờ đó giúp GDP cả nước trong 9 tháng đạt mức tăng 2,12%. Dù là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch COVID-19, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đáng chú ý trong 3 tháng qua, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II và là động lực cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,93%, công nghiệp và xây dựng tăng 2,95% và dịch vụ tăng 2,75%. Tính chung 9 tháng, các khu vực kinh tế tăng lần lượt 1,84%, 3,08% và 1,37%. Với mức tăng trưởng cao, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đồng thời duy trì đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh, an dân trong bối cảnh đại dịch.
Một điểm sáng đáng chú ý khác là dù khu vực dịch vụ cũng tăng thấp nhất nhiều năm do các ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch, nhưng cũng có nhiều lĩnh vực duy trì tăng trưởng dương cao như bán buôn và bán lẻ tăng gần 5% hay hoạt động tài chính-ngân hàng-bảo hiểm tăng 6,68%.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 tăng khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực Nhà nước tăng 21,5%.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%, khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%. Có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ tăng 2,69%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020.
Đáng chú ý, tính chung 9 tháng năm 2020, cả nước có 16.500 lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66.500 lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 75,5% về số lượt hộ thiếu đói và giảm 75,6% về số lượt nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo, đánh giá của một số tổ chức, định chế tài chính nước ngoài, triển vọng kinh tế Việt Nam rất sáng. Dự báo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của COVID-19. S&P dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021. Dự báo này cao hơn so với mức 1,8% của năm nay và 6,3% trong năm sau của ADB mới đây. Còn theo nhận định mới nhất của HSBC, Việt Nam vẫn đang bền bỉ "đi nước kiệu" với tốc độ tăng trưởng dương hiếm hoi trong năm 2020. Dự kiến, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực vào năm 2021.
Tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của đất nước trong tháng 9, trong đó có kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, Đại hội đồng AIPA lần thứ 41. Nhiều địa phương tổ chức Đại hội Đảng bộ thành công (14 địa phương), tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước hết sức ấn tượng.
Đặc biệt, chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả dịch COVID-19 và lần này, đã thay đổi cách thức, cách làm trong việc ngăn chặn chứ không như lần 1. Đến nay, đã 30 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan.
Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành giáo dục và đào tạo tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 và khen ngợi các đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic đạt kết quả cao.
Theo Thủ tướng, phiên họp Chính phủ hôm nay có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường năm 2020, từ đó có thể đánh giá kết quả cả năm 2020 và chuẩn bị cho kế hoạch 2021.
Về kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2020, Thủ tướng cho rằng, tình hình ngày càng tốt hơn. Quý III có sự tăng trưởng tốt hơn, đặc biệt các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, công thương, tài chính, ngân hàng, các lĩnh vực xã hội có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề cho quý IV và cả năm 2020.
Từ tăng trưởng quý III đạt 2,62%, đây là cơ sở để nhận định rằng chúng ta có thể tăng trưởng dương trong năm 2020. Đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh các nước ASEAN đều tăng trưởng âm.
Nêu ra một số điểm sáng, Thủ tướng cho rằng, xuất siêu 17 tỷ USD là con số kỷ lục. Khu vực kinh tế trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu trên 20%. Trong đó, ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu trên 41 tỷ USD với 12 cơ sở, nhà máy chế biến được đưa vào hoạt động.
Thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù gặp khó khăn, đã đạt trên 21 tỷ USD. Các chỉ tiêu vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thị trường chứng khoán có sự khởi sắc trở lại. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu dồi dào. Năng suất lúa tăng 0,9 tạ/ha. Người nông dân “được mùa, được giá”, sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh.
Thủ tướng cũng lại việc mới tổ chức hội nghị về chống hạn tại tỉnh Tiền Giang, trong đó bàn về chuyển đổi thời vụ trước tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở ĐBSCL một cách kịp thời. “Năm nay, chúng ta cương quyết chỉ đạo sớm hơn trong lĩnh vực nông nghiệp”...
Theo Thủ tướng, trong tháng 9, mục tiêu kép đã được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ rõ các mặt bất cập, hạn chế, nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn như dịch vụ, hàng không, vận tải, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động là vấn đề cần quan tâm. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng mức tăng trưởng còn ở mức thấp so với tiềm năng, kỳ vọng mà chúng ta đặt ra đầu năm.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các thành viên Chính phủ thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều giải pháp quan trọng để đạt kỳ vọng. HSBC ngày 1/10 đánh giá Việt Nam tăng trưởng cao hơn nhiều nước. Năm 2021, họ đặt vấn đề Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,1%. Vậy điều kiện gì, giải pháp nào để đạt 8,1% trong năm 2021?. Chúng ta phải phát huy kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn trong phòng, chống Covid-19; vấn đề chuyển đổi số, cuộc cách mạng 4.0 và thời cơ cho Việt Nam.
"Chúng ta cần tăng cường tính tự lực tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước. Hơn lúc nào hết, thời gian đến, năm 2021 phải có một tinh thần tự lực, tự cường để phát triển. Một khí thế mới, sự phấn đấu vừa qua rất quyết liệt như vậy thời gian vừa qua, kết quả tốt như vậy, làm nền tảng quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ quý 4 đạt kết quả tốt nhất, chuẩn bị đà cho năm 2021 và các năm tiếp theo", Thủ tướng nhấn mạnh.