Thực tế, ngành CNHT nước ta ngày càng lớn mạnh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển hiện nay của ngành CNHT Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, sản phẩm CNHT sản xuất trong nước chưa phong phú về chủng loại, kiểu dáng và mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành cao. Mặt khác, quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) CNHT còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu; trình độ công nghệ còn khoảng cách so với các nước cùng khu vực. Ðiều này khiến tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp; nhiều ngành công nghiệp có thế mạnh như điện tử, dệt may, da giày, ô-tô, xe máy,… vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, khiến sản xuất bị động, chi phí cao.

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, trong đó nêu rõ nhiều giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của CNHT. Ðó là cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT; bố trí, bảo đảm và huy động nguồn lực hiệu quả để triển khai thực hiện các chính sách này. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Mặt khác, tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các DN Việt Nam với các DN đa quốc gia, các Cty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế.

Tuy nhiên, CNHT Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất và lắp ráp ô tô, dệt may, da giầy,… nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm CNHT cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn.

Sản phẩm CNHT trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn nhiều bất cập. Tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp. Các DN CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; lĩnh vực sản xuất khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ðể nâng cao năng lực cho các DN, thời gian tới cần xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương nhằm hỗ trợ các DN CNHT ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Ðồng thời, hình thành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực của các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng.

Các trung tâm này có vai trò kết nối các trung tâm tại địa phương, hình thành hệ sinh thái chung về công nghệ và sản xuất công nghiệp,… Những giải pháp nói trên nếu thật sự được triển khai hiệu quả, chắc chắn sẽ tạo bước đột phá cho ngành CNHT trong thời gian tới, góp phần đạt mục tiêu Nghị quyết số 115/NQ-CP đề ra là đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.        

Theo Pháp luật xã hội