Hiện nay, 75% hệ thống bán lẻ ở nước ta vẫn là các chợ và tạp hóa. Do đó, phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại đang rất cần thiết.
Thời gian qua, hàng loạt tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài cũng đã công bố kế hoạch tăng vốn đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối ở Việt Nam, trong đó, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon sẽ tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam trong 2 năm tới.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: "Trong năm 2023 chúng tôi đã nhận được hàng trăm hồ sơ của các hệ thống phân phối bán lẻ nước ngoài quan tâm tới thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình xét hồ sơ, Bộ Công Thương luôn luôn nhấn mạnh về việc đó là phải là trụ đỡ đầu ra cho sản xuất trong nước".
Ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường hơn 140 tỷ USD và dự kiến có thể tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 năm tới, đóng góp lớn vào GDP. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt vẫn đang chiếm ưu thế trên sân nhà. Hơn 70% số các điểm bán đang là của các doanh nghiệp Việt.
Những hệ thống bán lẻ hiện đại còn có vai trò là kênh điều tiết hàng hoá giữa các vùng miền, đặc biệt là hàng thiết yếu, đồng thời, góp phần xây dựng thương hiệu cho hàng hoá Việt Nam.
Phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, văn minh cũng là nội dung được đề ra trong Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/thuc-day-phat-trien-he-thong-ban-le-hien-dai-105156.html