Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho nhiều người, đặc biệt là những người mới bắt đầu theo phương pháp ăn kiêng kê tô, bạn Lê Đình Thi Lễ đã tổng hợp tất tần tật các thông tin về cốt dừa và gợi ý một số món ăn dễ kết hợp với cốt dừa.
Khi bắt đầu keto, cốt dừa được dùng thoải mái không giới hạn. Tuy nhiên về mặt lâu dài nên cắt giảm từ từ, vì năng lượng nạp vào cao quá thì mỡ của cơ thể sẽ không được đem ra sử dụng. Cùi dừa cũng tương tự, lưu ý, nếu muốn ăn kê tô thì phải dùng cùi dừa già (không được ăn cùi dừa non hoặc uống nước dừa vì nhiều đường).
Cốt dừa không phải là thứ bắt buộc, nếu ai không thích thì không cần ép bản thân làm gì và nếu không ăn hoàn toàn thì càng tốt hơn. Cốt dừa chủ yếu để tăng năng lượng trong giai đoạn bắt đầu và để giữ sức cũng như chống thèm.
Cốt dừa phù hợp với những người không ăn được mỡ, còn nếu ăn được mỡ (mỡ xào, thịt ba chỉ nhiều mỡ luộc/rán,..) thì cốt dừa là không cần thiết, (nhưng nếu thích vẫn dùng được).
Theo ý kiến của nhiều người thì cốt dừa Thái được đánh giá là ngon hơn và dễ uống hơn cốt dừa Việt Nam. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tay làm cốt dừa để đảm bảo thành phẩm thơm ngon và "hữu cơ" theo đúng ý kiến của mình.
Cốt dừa tự làm có ưu điểm là chất lượng tốt, không chất bảo quản, nguyên chất (cốt dừa lon pha rất nhiều thành phần và đôi khi có cả bột mà nhà sản xuất đánh lừa người tiêu dùng bằng các tên khoa học). Cơm dừa sau khi làm nước cốt dừa có thể dùng để làm bánh dành cho các bạn theo kê tô.
Tuy nhiên, cốt dừa tự làm cũng có nhiều nhược điểm như nhanh hỏng, tốn nhiều công sức, mất thời gian.
Trong trường hợp mua cốt dừa đóng lon sẵn, người mua cần lưu ý đến thành phần của cốt dừa, tránh những loại có quá nhiều đường. Cốt dừa có tỉ lệ sugar thấp hơn 5g và fat cao hơn 18 (trên 100ml) là đều có thể sử dụng.
Về vấn đề bảo quản, nước cốt dừa rất nhanh hỏng nếu để ở nhiệt độ phòng, vì vậy nếu không sử dụng hết trong 1 lần thì phải bảo quản trong tủ lạnh. Lưu ý không cho lon cốt dừa vào tủ lạnh (lon kim loại không nên trữ trong tủ lạnh, gây ảnh hưởng sức khoẻ vì một số chất trong vỏ lon có thể ngấm vào đồ ăn) mà nên cho ra bát, bọc màng bọc thực phẩm hoặc cho vào hộp đựng thực phẩm chuyên dụng và cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Tuỳ thuộc từng loại và từng điều kiện mà cốt dừa sẽ hỏng nhanh hay chậm, tuy nhiên không nên sử dụng quá 1 tuần. Nếu cốt dừa vẫn nhanh hỏng khi bảo quản ngăn mát thì có thể cho vào khay làm đá bảo quản trong ngăn đá, khi dùng lấy từng viên ra.
Khi sử dụng, nên dùng thìa khuấy đều trước khi sử dụng để đồng nhất cốt dừa và chất lỏng, vì thông thường cốt dừa lon thì lớp trên sẽ cô đặc hơn và lớp dưới lỏng. Nếu không khuấy đều, sau lần sử dụng đầu tiên, phần còn lại sẽ rất loãng và không ngon.
Mỗi lần lấy cốt dừa phải dùng thìa khô, sạch để tránh nhiễm khuẩn làm cốt dừa nhanh hỏng. Cốt dừa hỏng là cốt dừa có vị chua, sử dụng sẽ dễ đau bụng. Cốt dừa tách nước là bình thường, khi dùng chỉ cần khuấy đều.