Trong vai người có nhu cầu mua xe ô tô đã qua sử dụng, chúng tôi gọi vào số điện thoại công khai có ghi trên thông tin rao bán chiếc Toyota Innova E đời 2016, màu xám, chạy được 15.000km, nội thất ngon lành, mua về chỉ việc chạy, nhưng giá chỉ 1 triệu đồng. Anh Phúc, chủ chiếc xe cho biết, xe này anh đang chạy nhưng muốn đổi xe mới nên bán. Tuy nhiên khi hỏi về giá bán 1 triệu, anh này ngập ngừng, cho rằng xe này anh đang bán với giá 719 triệu đồng, có lẽ trang web rao nhầm.
Khi tiếp tục dò hỏi, chị Yến, nhân viên tư vấn của trang thông tin rao bán xe cho biết, “xe đó họ để giá tạm 1 triệu để thương lượng giá, anh cứ liên hệ trực tiếp SĐT người bán trong tin rao để họ tư vấn”.
Qua tìm hiểu thì chúng tôi mới biết, thật ra đây là chiêu trò mua bán xe của người bán. Giá 1 triệu thực ra chỉ là làm “mồi” cho khách hàng gọi điện mà thôi, giá trị thực có thể lên đến vài trăm triệu.
Trong vai người mua, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu chiếc Jeep CJ, được chủ nhân tên Nghiêm rao bán: kiểu dáng SUV, đời trước 1975, tình trạng đã qua sử dụng, xe còn nguyên bản, máy Mỹ zin, đủ 2 cầu, máy êm, xe mua thanh lý không giấy tờ, mua bán viết giấy tay đầy đủ, bao tranh chấp… có giá chỉ 32 triệu. Anh này còn cho biết, nếu mua về làm giấy tờ đầy đủ thì giá giao động khoảng 75 triệu.
Những mẫu xe khác rao bán cùng trang web này cũng có giá không tưởng, chỉ từ 8 đến 10triệu đồng/chiếc, thậm chí có những siêu xe lên đến 50 tỷ. Thực ra, đó cũng chỉ là giá tham khảo, không phải thực tế, có cùng một chiêu thức mua bán. Nếu có thật thì xe đã nát, mua về bán sắt vụn. “Giá bán là do người bán đăng lên và chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin của họ”, chị Yến cho biết thêm.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết nếu thông tin rao như vậy là quảng cáo sai theo luật quảng cáo, có thể vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng. Ở đây là trang thương mại điện tử làm trung gian chứ không trực tiếp mua bán, nên nếu để người dùng đăng thông tin sai sự thật, trang web này cũng sẽ bị xử phạt. Theo khoản 5 điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó: Người nào có hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. |