Bộ Công thương xác định 5 năm tới thương mại điện tử là một phương thức kinh doanh quan trọng. Các hiệp định thương mại quốc tế đều đề cập sâu đến thương mại điện tử, đòi hỏi lĩnh vực này phải phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Thông tin từ Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (TMĐT) của Hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2019 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nước ta đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2016- 2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
TMĐT đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể, báo cáo của Google và Temasek cho thấy, Indonesia và Việt Nam những quốc gia dẫn đầu xu hướng tăng trưởng (lần lượt 49% và 38% từ 2015 đến 2019). Tại Việt Nam, thị trường TMĐT bán lẻ năm 2019 ghi nhận doanh thu 10,07 tỷ USD, chiếm 4,8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Thương mại điện tử vẫn phát triển tốt dù dịch Covid-19 ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống
Thực tế, dù do Covid-19, từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4/2020 hầu hết hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, thương mại nội địa cũng như quốc tế bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí đóng cửa, giải thể. Nhưng riêng lĩnh vực thương mại điện tử vẫn có tín hiệu tích cực để có thể tiếp tục phát triển hướng tới các dự báo lạc quan của năm 2020 cũng như tới năm 2025.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số khẳng định, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. “Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ứng dụng internet và công nghệ có mức tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%”- ông Đặng Hoàng Hải nhận định.
Nhận định từ giới chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam đang xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới; đồng thời xếp hạng 22 về tốc độ phát triển số hóa. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang trong nền kinh tế số và lĩnh vực TMĐT có triển vọng tiến xa hơn.
Theo đó, thị trường TMĐT Việt Nam cũng được mở rộng và đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của số hóa và công nghệ thông tin đã trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số nói chung cũng như thương mại nói riêng.
Mới đây, Bộ Công thương đã hoàn thiện xây dựng Kế hoạch tổng thể Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 645/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch vừa nêu.
Theo đó, TMĐT được xác định là một lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cách mạng 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả chu trình kinh doanh, hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 đạt ra là có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số TMĐT mô hình doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%; 70% giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng…
Kế hoạch tổng thể Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, sẽ được tổ chức thực hiện gắn kết và đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch... phát triển các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương và các ngành kinh tế khác, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu, phân phối, dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, cải cách thủ tục hành chính.