Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 cộng với chi phí vận chuyển tăng cao… nhưng xuất khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam 4 tháng vừa qua.
Đáng chú ý, không chỉ nhóm công nghiệp chế biến, các nhóm hàng xuất khẩu khác cũng duy trì tăng trưởng ở mức cao, tạo đà giúp xuất siêu được nới rộng.
Thủy sản bội thu
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,26 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, xuất khẩu thu về khoảng 122,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê cho thấy, cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chính đều ghi nhận nhiều kết quả nổi bật sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 105,6 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nhóm dẫn dắt tăng trưởng chung khi chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của nhóm này, dệt may tiếp tục khởi sắc cả về đơn hàng và lợi nhuận.
Đại diện Công ty Dệt may Thành Công cho biết hiện doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết quý 3/2022, thậm chí là quý 4/2022.
“Công ty đã hoàn thành xây dựng nhà máy May Thành Công Vĩnh Long 2 với công suất khoảng 9 triệu sản phẩm/năm, góp phần đẩy mạnh sản xuất và đơn hàng cho năm nay, mang lại doanh thu, lợi nhuận cho công ty trong thời gian tới,” vị đại diện này thông tin thêm.
Hơn nữa, bất chấp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong suốt thời gian qua, nhóm nông, lâm, thủy sản vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng, với kết quả xuất khẩu đạt 10,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong nhóm này, xuất khẩu thủy sản ước tính 4 tháng đem về 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá tra và tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất).
“Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 4 tháng đầu năm tăng 67,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó nhiều mặt hàng như: xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao cả về lượng và giá trị do giá các mặt hàng này tăng cao.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 35,6 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 19 tỷ USD, tăng 16,7%; thị trường EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 19,9%...
Đẩy mạnh tận dụng các FTA
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2022 ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 4 tháng, nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số đó, nhóm hàng cần nhập khẩu chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước, gồm nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước với kim ngạch đạt 106,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng.
Đơn cử, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 123% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu sử dụng của các nhà máy nhiệt điện than tăng cao. Ngoài ra, nhập khẩu dầu thô tăng 63,7%; khí đốt hoá lỏng tăng 62,7%...
Với kết quả trên, trong tháng 4 thặng dư thương mại khoảng 1,089 tỷ USD, đưa mức xuất siêu của cả nước trong 4 tháng lên con số khoảng 2,53 tỷ USD.
- Cán cân thương mại 4 tháng đầu năm 2022:
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), cho biết kết quả xuất nhập khẩu trong những tháng vừa qua đem lại nhiều tín hiệu tích cực không chỉ cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, tình hình thế giới có nhiều biến động, giá cả nhiều loại nguyên nhiên vật liệu tăng cao… được nhận định sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Vì vậy, theo ông, việc tìm ra bước đi, cách quản trị rủi ro là việc cần phải tính tới. Ngoài ra, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, Hợp tác xã, nông dân và các tổ chức hiệp hội cần phải thắt chặt hơn nữa để cùng nhau vượt qua những thách thức của thị trường.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinamit cho rằng sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, khách hàng càng quan tâm đến xu hướng tiêu dùng xanh, quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ vì mục đích cuối cùng cũng là sức khỏe, thực phẩm sạch để ăn, nâng cao miễn dịch để kháng bệnh…
“Để đón đầu cơ hội, một số doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh chuyển hướng sang phát triển xanh. Không cạnh tranh bằng chi phí lao động giá rẻ, mà bằng các tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường,” ông Nguyễn Lâm Viên nói.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết để giữ nhịp tăng trưởng, lãnh đạo bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới
Đồng thời, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Nguồn: https://ngaynay.vn/thuong-mai-khoi-sac-xuat-khau-cua-viet-nam-4-thang-tang-hon-16-post120380.html