Tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, không siết tín dụng địa ốc
Đánh giá thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên, trước những lo ngại về động thái siết vốn vào thị trường này, tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý; nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng rà soát, ngăn chặn, phát hiện những hành vi sai phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng với bất động sản theo nguyên tắc sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo, hướng dẫn các nhà băng tiếp tục cho vay với lĩnh vực bất động sản đúng quy định, đủ tính pháp lý; ưu tiên cho vay với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.
Đồng thời, rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; xác định các phân khúc thị trường, các nhu cầu; phát triển hạ tầng chiến lược để tạo không gian phát triển mới, động lực phát triển mới, thúc đẩy hình thành các khu đô thị mới.
Phân công cụ thể, Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đối với nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của pháp luật, thủ tục pháp lý của dự án...
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế) bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Thanh tra, kiểm kiểm tra và chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NH NN ngày 20/11/2014 Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó sẽ hạ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30%; tăng hệ số rủi ro từ 50% lên 150% đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên.
Động thái này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản vận hành theo quỹ đạo bình ổn, đồng thời tránh nguy cơ bong bóng xảy ra, nhất là trong thời điểm nhiều địa phương đang diễn ra tình trạng sốt đất cục bộ. Tuy nhiên,thị trường bất động sản hiện vẫn phụ thuộc vào ngân hàng, cả người xây nhà lẫn người mua nhà. Do đó, chính sách thắt chặt tín dụng nếu không có lộ trình cũng như hài hoà với thực tế có thể khiến cả thị trường chao đảo.
Phía Ngân hàng Nhà nước cũng từng khẳng định cơ quan chỉ này kiểm soát chặt tín dụng vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn trong bất động sản như xây dựng resort, nghỉ dưỡng... Đây là các lĩnh vực mang tính đầu cơ, lũng đoạn giá. Còn tín dụng vào các phân khúc như xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ... vẫn được khuyến khích rót vốn.
Tính đến cuối tháng 5/2022, dư nợ tín dụng với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cuối năm ngoái. Đây được xem là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung với nền kinh tế.
Hoàn thiện chính sách, hướng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững cho thị trường bất động sản
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 14%. Bất động sản từ lâu được coi là động lực chính của nền kinh tế, có khả năng lan tỏa mạnh mẽ đến 40 ngành kinh tế quan trọng khác. Do đó, nếu thị trường bất động sản bị đình trệ, đồng nghĩa với việc cả nền kinh tế sẽ đình trệ theo.
Theo các chuyên gia, bất cứ cản trở nào gây ra khủng hoảng với thị trường bất động sản cũng là gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và những ngành liên đới. Việc siết chặt chi phí và các nguồn lực quá mức có thể tác động tiêu cực đến khả năng tăng trưởng và phát triển trong tương lai, đẩy các doanh nghiệp bất động sản vào tình thế khó khăn.
Các chuyên gia cũng nhận định, thị trường bất động sản đang ở trong thời điểm tương đối nhạy cảm dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước có những động thái siết chặt tín dụng đối với thị trường này. Tuy nhiên, sự điều chỉnh về mặt chính sách của các ngân hàng đang quá bao quát, nếu không phân luồng cụ thể sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất giải pháp: Hoàn thiện chính sách tín dụng đối với thị trường bất động sản, trong đó cần phân biệt rõ hơn bất động sản phục vụ nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu để ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển, tránh phát triển quá nóng, gây bong bóng thị trường bất động sản.
Phát triển thị trường tài chính theo hướng hài hoà giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Đẩy mạnh phát triển thị trường vốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản huy động nguồn vốn dài hạn. Cần có sự phối hợp chỉ đạo thống nhất của các Bộ, ngành liên quan từ quản lý thị trường nhà ở, đầu tư, xây dựng, nguyên vật liệu… và từ phía các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, hành lang pháp lý thị trường bất động sản, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...
Mặt khác, trong bối cảnh nguồn vốn đang bị hạn chế như hiện nay, theo các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản phải chọn lọc dự án và tính toán lại dòng tiền, tập trung vốn vào những dự án khả thi, huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, tránh phụ thuộc quá lớn vào vốn ngân hàng./.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/tiep-tuc-cho-vay-doi-voi-linh-vuc-bat-dong-san-khong-siet-tin-dung-dia-oc-20201231000006775.html