Thường xuyên vệ sinh dàn lạnh và dàn nóng
Sau một thời gian sử dụng, điều hòa sẽ có hiện tượng bị bám bụi ở dàn nóng và dàn lạnh. Khả năng làm lạnh của máy sẽ bị giảm khi bụi bẩn ngày càng dày đặc. Vì vậy bạn nên vệ sinh máy định kỳ. Số lần bảo dưỡng tùy thuộc vào môi trường và tần suất sử dụng, nhưng theo các chuyên gia về điện lạnh thì nên bảo dưỡng máy khoảng 3-4 tháng một lần để làm lạnh hiệu quả và tiết kiệm điện.
Lắp đặt bộ điều nhiệt ở vị trí mát nhất
Việc lắp đặt bộ điều nhiệt đóng một vai trò lớn trong hoạt động của điều hòa nhà bạn. Chúng ta nên đặt bộ điều nhiệt ở vị trí mát nhất vì nếu đặt nó trên tường bị nắng chiếu vào, máy lạnh sẽ hoạt động thường xuyên hơn nhiều so với mức cần thiết bởi vì nó sẽ nghĩ rằng căn phòng nóng hơn thực tế.
Đóng rèm cửa sổ
Khu vực cửa sổ bị mặt trời chiếu vào không chỉ làm nóng bộ điều nhiệt mà còn làm nóng cả căn phòng. Do đó, vào thời điểm nóng nhất trong ngày, hãy đóng rèm cửa sổ và tránh ánh nắng mặt trời. Nó cũng giúp cách nhiệt, ngăn không khí lạnh thoát ra.
Sử dụng quạt trần
Lắp đặt quạt trần trong nhà sẽ giúp tiết kiệm điện. Theo Hội đồng Bảo vệ tài nguyên quốc gia Mỹ phân tích, quạt trần có thể khiến căn phòng có cảm giác mát hơn 10 độ C và giúp tiết kiệm được 10% năng lượng của điều hòa.
Không nên cài nhiệt độ quá thấp
Việc cài đặt nhiệt độ điều hòa quá thấp vừa làm tốn điện năng và vừa làm giảm tuổi thọ của máy lạnh vì khiến máy nén của máy lạnh phải hoạt động hết công suất để bù đắp lượng nhiệt chênh lệch quá cao giữa trong phòng và ngoài trời. Chưa kể, việc phải thay đổi đột ngột khi ra vào giữa hai môi trường mà nhiệt độ chênh lệch quá cao sẽ không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Nhiệt độ môi trường lý tưởng với cơ thể con người là trong khoảng 25 - 26 độ C. Vì vậy, để làm mát, bạn không cần thiết phải cài đặt nhiệt độ xuống quá thấp.