Người Việt dành 1/3 ngân quỹ cho thực phẩm, đồ uống
Báo cáo mới đây do Vietnam Report thực hiện đã chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm - đồ uống rất tiềm năng. Nhóm sản phẩm này hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng, chiếm tới 34% mức chi tiêu.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống trong 9 tháng đầu năm 2018 đã tăng lần lượt 8,1% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, bên cạnh các nhu cầu chăm sóc cá nhân như quần áo, giày dép, y tế, sức khỏe hay hoạt động giải trí, giáo dục thì chi phí mà người tiêu dùng Việt dành cho thực phẩm, đồ uống đang chiếm tới 1/3 ngân quỹ sinh hoạt và chiếm nhiều nhất so với các chi phí khác.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng, ngành thực phẩm và đồ uống hiện chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. BMI dự đoán, tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm và đồ uống sẽ cao hơn trong giai đoạn 2016 - 2019, trong đó khả năng Việt Nam sẽ đứng ở vị trí thứ ba Châu Á.
Xu thế nào cho tiêu dùng hiện đại?
Theo Vietnam Report, hiện có 3 xu thế chủ đạo trong phong cách tiêu dùng thực phẩm - đồ uống của người tiêu dùng, đó là: Hướng tới các thực phẩm tự nhiên, hữu cơ; thay đổi quan niệm về thực phẩm tiện lợi; sử dụng các ứng dụng công nghệ để trải nghiệm ẩm thực một cách dễ dàng hơn.
Thứ nhất, gia tăng nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên, hữu cơ.
Trong bối cảnh thu nhập đầu người tăng lên và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tác động tiêu cực tới sức khỏe, người tiêu dùng Việt có xu hướng lựa chọn các thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ và thân thiện với môi trường. Họ sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn cho bữa ăn hàng ngày để lựa chọn sản phẩm tự nhiên và hữu cơ.
Thống kê cho hay, có tới 86% người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM khi được hỏi đã lựa chọn các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, hoặc các sản phẩm đúng mùa vụ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Thứ hai, tái định nghĩa lại thực phẩm tiện lợi.
Vietnam Report cho hay, trong cuộc sống hiện đại, quan điểm về gia đình, đặc biệt ở khu vực thành thị đã có sự thay đổi: Số lượng người trong một gia đình thường chỉ có 4-5 người, tỷ lệ người sống độc thân tăng…, do đó nhu cầu với nhóm hàng hóa tiêu dùng nhanh cũng thay đổi so với trước đây.
Do đó mà các công ty thực phẩm, đồ uống đã phải thay đổi về quy cách và trọng lượng hàng hóa để phục vụ cho các đối tượng này. Cụ thể, sản phẩm được đóng gói nhỏ gọn hơn, phù hợp với nhu cầu của cá nhân và thuận tiện trong việc mang theo để sử dụng trên đường đi.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã hướng tới cung cấp các bữa ăn tươi (ready meals) nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm đóng gói/ăn liền khô nhưng vẫn đảm bảo độ tươi, ngon, bổ dưỡng, an toàn và tiện lợi.
Thứ ba, công nghệ làm thay đổi trải nghiệm ẩm thực của người tiêu dùng.
Giới trẻ Việt Nam được đánh giá là năng động, thích trải nghiệm và sẵn sàng chi trả đề được thưởng thức các loại thực phẩm - đồ uống ngon và lạ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, họ có thể dễ dàng truy cập các xu thế ẩm thực mới nhất, hot nhất qua mạng xã hội và đặt hàng thông qua các ứng dụng cho phép tìm kiếm địa điểm ăn uống (Foody), giao đồ ăn (deliveryNow) và đặt bàn (TableNow)... khiến thị trường ẩm thực trở nên sôi động hơn.
Theo nhận định của Nielsen, thực phẩm và đồ uống là 2 trong 10 sản phẩm được giao dịch trên mạng nhiều nhất trong năm 2017.
Đối với các công ty sản xuất, họ cũng qua đó nắm bắt được xu thế tiêu dùng thực phẩm - đồ uống để đa dạng hóa và cải thiện các dòng sản phẩm sao cho phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng hiện đại (ví dụ: trà sữa đóng gói, ngũ cốc ăn liền…)