Apple "vạch mặt" TikTok
Sự chỉ trích của dư luận dành cho TikTok bùng phát sau khi Apple giới thiệu hệ điều hành iOS 14 phiên bản beta mới đây. Cụ thể, tính năng mới trên iOS 14 Beta đưa ra thông báo cho người dùng iPhone, iPad khi một ứng dụng thu thập dữ liệu từ clipboard. Vì tính năng nay, TikTok "bị lộ" thường xuyên truy cập vào thông tin của người dùng.
TikTok đưa ra lời giải thích rằng ứng dụng quét dữ liệu trên thiết bị người dùng từ khay nhớ tạm với mục đích chống các bài đăng, bình luận, tin nhắn rác. Khi có động thái copy - paste liên tục từ một tài khoản nào đó, TikTok có biện pháp để ngăn chặn hành động spam này. Tuy vậy, người dùng đặt dấu hỏi về dữ liệu của mình bị TikTok truy xuất có được lưu trữ và sử dụng vào mục đích khác.
TikTok nằm trong danh sách top 53 ứng dụng được tải nhiều nhất, phổ biến tại nhiều quốc gia với trên 800 triệu người dùng.
TikTok sau đó phải xóa tính năng này trong một bản cập nhật ứng dụng mới trên chợ ứng dụng AppStore, đồng thời công ty cho biết tính năng này không được kích hoạt trên thiết bị chạy hệ điều hành Android.
Đây không phải lần đầu TikTok bị cảnh báo về vấn đề nguy cơ đối với dữ liệu người dùng. Trước đó vào cuối năm 2019, TikTok cũng bị dính nhiều nghi án về việc có thể thu thập, lưu trữ dữ liệu người dùng và truyền về máy chủ tại Trung Quốc, buộc hãng này phải đưa ra hướng xử lý là tách TikTok ra khỏi công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm nơi đặt trụ sở mới ở bên ngoài Trung Quốc.
TikTok "chôm" những dữ liệu gì
"Hãy xóa TikTok ngay bây giờ. Nếu bạn biết ai đó sử dụng ứng dụng này, hãy giải thích với họ đây là phần mềm theo dõi do chính phủ Trung Quốc tạo ra", nội dung đoạn tweet ngày 1/7 của nhóm tin tặc lớn nhất thế giới Anonymous.
Đoạn tweet cũng dẫn lại bài viết của Bangorlol - một người dùng tự nhận là kỹ sư, chia sẻ trên Reddit cho rằng không chỉ nội dung từ clipboard, TikTok còn ăn cắp nhiều thứ hơn thế. Tiktok lấy nhiều dữ liệu hơn Facebook, YouTube, Instagram hay bất kỳ ứng dụng nào mà bạn biết.
"TikTok là một dịch vụ thu thập dữ liệu được che giấu dưới vỏ bọc là một mạng xã hội. Họ đang sử dụng một API để lấy thông tin về bạn, danh bạ và cả thiết bị của bạn. Phần đáng sợ nhất là họ có thể định cấu hình từ xa, ngăn chặn gỡ lỗi ứng dụng. Vài đoạn mã trên Android cho phép tải xuống tệp zip từ xa, giải nén nó và thực thi. Một ứng dụng hợp pháp không có lý do gì cần đến một tính năng như vậy", Bangorlol viết trên Reddit. Tuy nhiên, anh nói đang cần thu thập thêm dữ liệu từ bạn bè và cộng sự để đưa ra bằng chứng thuyết phục.
Đây không phải lần đầu tiên Anonymous đưa ra các cáo buộc trực tiếp đến nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc. Ngày 6/6, tài khoản @YourAnonCentral từng đăng tweet nói Anonymous không có ý định tạo tài khoản TikTok vì đây là "phần mềm gián điệp của chính phủ Trung Quốc" đồng thời cảnh báo có nhiều tài khoản giả lấy hình ảnh của nhóm với mục đích lừa đảo.
TikTok liên tục "gặp bão"
Đây là thời gian khó khăn cho ứng dụng Trung Quốc. Sau khi đạt lượng người dùng kỷ lục trong thời gian Covid-19 diễn ra, TikTok liên tiếp chịu những cáo buộc về việc ăn cắp thông tin riêng tư của người dùng.
Ngày 29/6, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho rằng ứng dụng này "gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công của Ấn Độ". Sau đó, TikTok cùng 58 ứng dụng khác bị quan chức nước này cấm cửa. Chính phủ Ấn Độ cho rằng các ứng dụng bị cấm đặt ra mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của nước này. Một số báo cáo cho rằng những ứng dụng trong danh sách ăn cắp, sau đó lén lút truyền dữ liệu người dùng nước này đến máy chủ bên ngoài Ấn Độ.
Động cơ đằng sau quyết định trên của nhà nước Ấn Độ còn xuất phát từ căng thẳng quân sự leo thang với Trung Quốc. Trong khi đó, TikTok tất nhiên bác bỏ cáo buộc trên. Công ty chủ quản ByteDance cũng cam kết hợp tác với nhà chức trách về vấn đề bảo mật thông tin người dùng, đồng thời tuân thủ luật pháp nước này.
Tại Mỹ, TikTok gây nỗi ám ảnh cho giới chức nước này về vấn đề an ninh mạng, thậm chí bị quân đội Mỹ cấm sử dụng. Vài tháng trước, một số quốc gia cấm cửa ứng dụng này vì lo ngại các vấn đề an toàn cho trẻ em.
TikTok bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 4/2019 và đạt khoảng 12 triệu người dùng hiện tại. Theo thống kê của We are Social, TikTok xếp thứ 6 trong số những mạng xã hội được yêu thích tại Việt Nam. TikTok là nền tảng mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất của công ty Trung Quốc là ByteDance. Ứng dụng hiện có hơn 800 triệu người dùng thường xuyên và cũng đang đứng đầu bảng về khả năng kiếm tiền, vượt qua YouTube trong tháng 4 với doanh thu khoảng 78 triệu USD. TikTok hiện được định giá trên 100 tỷ USD.