Hệ lụy của tín dụng đen
Gần đây, những vụ việc có nguyên nhân bắt nguồn từ vấn nạn “tín dụng đen” đang xảy ra dày đặc trên tất cả các tỉnh, thành phố.
Cũng theo Bộ công an, trong khoảng 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản…
Chỉ tính riêng tuần đầu tiên của tháng 3/2019, các thông tin về vấn nạn “tín dụng đen” liên tiếp được công bố khắp các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy hoạt động này đang diễn biến hết sức phức tạp.
Trong khi các đối tượng hoạt động núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như các cơ sở cầm đồ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính vẫn diễn ra khắp nơi bủa vây cuộc sống của người dân. Bởi vậy, không ai có thể thống kê chính xác quy mô hoạt động cũng như hệ lụy của loại hình kinh doanh bất hợp pháp này.
Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế và số liệu từ Bộ Công an, mỗi năm cả nước có khoảng 500 nghìn tỷ đồng được giao dịch bất hợp pháp trên thị trường “tín dụng đen” kéo theo khoảng 2.500 vụ án từ mức độ hủy hoại tài sản đến đe dọa tính mạng, đánh đập, tra tấn và giết người.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhìn vào số liệu thống kê cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh,“Hệ lụy của “tín dụng đen” là rất lớn”.
Bên cạnh đó,ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, gần đây, “tín dụng đen” đã bùng phát mạnh mẽ. Điều này cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này.
Giải bài toán khó bằng cách nào?
Nói về giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, luật sư Trần Minh Hải, Công ty Luật BASICO cho rằng: “Cần cấp phép thành lập mới các tổ chức tài chính, tín dụng để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là nhu cầu thiết thực với sự sẵn sàng tham gia thị trường của nhiều tổ chức định chế tài chính trong nước và nước ngoài”.
Ngoài ra, theo bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân.“Đặc biệt, để từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về TDTD trên toàn quốc, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về “tín dụng đen” để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách TDTD và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với TS. Lực, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) cho rằng, “tín dụng đen” đang diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Đặc biệt, những năm gần đây “tín dụng đen” có dấu hiệu tăng mạnh do nhu cầu vốn của người dân tăng cao.
Theo luật sư Đức, ngân hàng và các tổ chức tài chính hiện giờ mới chỉ tập trung vào các khoản vay lớn, các khoản cho vay sản xuất kinh doanh, xuất khẩu trong khi mảng tiêu dùng còn bỏ ngỏ nhiều. “Trong khi đó, các đối tượng chính và lớn nhất của “tín dụng đen”, nhắm vào những người có thu nhập thấp và trung bình, người không có tài sản thế chấp, không có thu nhập ổn định lại dường như đang bị bỏ quên”.
Luật sư Đức nhấn mạnh để giải quyết được vấn nạn “tín dụng đen”, yếu tố cốt lõi nhất vẫn là giải quyết nhu cầu vốn của người dân. Khi người dân được đáp ứng nhu cầu vay vốn một cách hợp pháp, dễ dàng thì tín dụng đen tự khắc “hết đất sống”.