Cú “địa chấn” thứ nhất là vụ án Công ty CP địa ốc Alibaba lừa khoảng 6.700 người với số tiền hơn 2.500 tỷ đồng. Cái bẫy của Alibaba chẳng có gì mới nhưng rất hữu hiệu: Alibaba tự “thổi” vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên hàng ngàn tỷ đồng; “vẽ” các dự án “ma”, rồi dụ thiên hạ: Khách hàng mua đất nền tại các dự án của Alibaba được chia lại khoản lợi nhuận 38%/năm. Nếu người khác cùng mua, lợi nhuận sẽ tăng theo cấp số nhân...

Cú “địa chấn” thứ hai là vụ chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng phá vỡ cam kết trả lợi nhuận 12%/năm với các nhà đầu tư condotel, gây rúng động thị trường. Không nói các nhà đầu tư cá nhân, vốn ít, không am hiểu thị trường, ngay cả đại gia lõi đời cũng đổ tới 600 - 700 tỷ đồng vào đây...

Thế mới biết đồng tiền có mãnh lực lớn khủng khiếp thế nào và cái bẫy lợi nhuận cao vô cùng lợi hại khiến khách hàng chẳng khác con thiêu thân bị thu hút bởi ánh sáng lấp lánh, cứ lao đầu vào để... chịu chết.

Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng phá vỡ cam kết trả lợi nhuận 12%/năm với các nhà đầu tư condotel. (Ảnh: Nguồn Internet)

Có chuyên gia phân tích: Chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Phuket (Thái Lan) cam kết lợi nhuận chỉ 7% trong 3 - 5 năm, ở Bali (Indonesia) cũng chỉ 7% trong 2 - 3 năm... Thực tế, trên thị trường thế giới, các chủ dự án bất động sản lớn cũng chỉ dám “dũng cảm” cam kết lợi nhuận 4 - 6%/năm, hoặc “hèn” hơn chỉ 2 - 3%/năm.

Trong khi đó, cam kết lợi nhuận từ bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam rất cao, phổ biến khoảng 10 - 12%/năm, có nơi đẩy lên đến 15%/năm. Thấp hơn một chút và có vẻ... thực tế hơn, có dự án bất động sản ở Việt Nam cam kết lợi nhuận 8%/năm trong 2 năm đầu và 9%/năm cho 2 năm tiếp theo, từ năm thứ 5 trở đi sẽ chia sẻ 60:40 doanh thu thuần. Nhà đầu tư hưởng 60% doanh thu cho thuê, chủ dự án “gánh” mọi chi phí hoạt động trong 40% doanh thu - sự mời chào hấp dẫn khó cưỡng.

Ngụ ngôn xưa kể rằng, lọ mật được chủ nhân nghiêng đổ, mật chảy ra thơm phức. Ruồi bu lại, hăm hở tranh nhau đánh chén. Chẳng mấy chốc, con nào con nấy từ đầu đến chân dính đầy mật, cánh dính chặt lại với nhau, không thể bay lên nổi. Thế nên mới có câu: “Mật ngọt chết ruồi”.

Nhưng, nghĩ đi ngẫm lại, trách ruồi tham mật ngọt một thì trách người cố tình đổ mật dụ ruồi mười. Không phải tự nhiên mà nhiều người ví nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, condotel cam kết mang lại lợi nhuận kịch trần để thu hút các nhà đầu tư chẳng khác những “lọ mật” thơm ngọt.

Dù có thể có những nhà đầu tư nào đó có khả năng “nhìn dự án, đoán lợi nhuận”, nhưng đa phần chỉ... đoán mò, để rồi ăn “mật đắng” thay vì “mật ngọt” khi chủ dự án thất hứa vì nhiều lý do... trên trời, cũng bởi chẳng có ràng buộc pháp luật nào khiến chủ đầu tư phải làm đúng cam kết.

Ở một góc độ khác mà ít người nhìn ra: Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có condotel, được Nhà nước giao đất có thời hạn, phổ biến là 50 năm (đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, thời hạn tối đa là 70 năm) để thực hiện dự án đầu tư; khi hết hạn, nếu có nhu cầu sử dụng thì có thể được xem xét gia hạn.

Như vậy, sau 50 - 70 năm, số phận căn hộ, biệt thự tại dự án bất động sản nghỉ dưỡng, condotel sẽ ra sao? Liệu đây có phải là tài sản, là “của để dành” quý báu cho con cháu chắt chít mai sau không?

Hãy tỉnh táo trước những cái “bẫy” lợi nhuận cao, rủi ro lớn!

Theo Phương Minh/Đô Thị Mới